Hôm nay - 21/7, YouTube chính thức xóa sổ top trending khiến làng nhạc chao đảo.

YouTube xóa sổ top trending, loạt điểm mới cần cập nhật

“Trending Now” (còn gọi là tab “Thịnh hành” hay “Bảng Tổng”) bị loại bỏ trên toàn cầu kể từ ngày 21/07/2025. Tab Trending sẽ bị loại bỏ hoàn toàn và được thay thế bằng hệ thống “YouTube Charts” - tập hợp các bảng xếp hạng nội dung theo từng lĩnh vực như nhạc, podcast, trailer phim,.... Động thái này đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, nơi danh sách thịnh hành từng là nơi quen thuộc để theo dõi các video đang hot nhất tại từng quốc gia. Nhất là với ngành công nghiệp âm nhạc.

Sự bành trướng của YouTube từ thập niên 2010s khiến làn sóng music video nở rộ, trở thành cách thức quảng bá không thể thiếu của nghệ sĩ toàn cầu. Tại Việt Nam, việc leo top trending trở thành bảo chứng thành công của một nhạc phẩm/nghệ sĩ. Khi top trending bị khai tử, thì cách tiếp cận của nghệ sĩ với platform này và tiêu chí đánh giá độ phủ sóng của nhạc phẩm sẽ thay đổi.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 1.
YouTube công bố sẽ phát triển YouTube Charts - phiên bản kế nhiệm của Trending

YouTube công bố sẽ phát triển YouTube Charts - phiên bản kế nhiệm của Trending được kỳ vọng sẽ phân loại và hiển thị xu hướng một cách trực quan, cụ thể hơn theo từng nhóm nội dung. Các bảng xếp hạng như Trending Music Videos, Weekly Top Podcast Shows, Trending Movie Trailers đang được triển khai và sẽ tiếp tục mở rộng thêm. Thay đổi sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 21/07/2025 trên phạm vi toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, Tab Trending sẽ không còn xuất hiện trên ứng dụng YouTube cả ở nền tảng web lẫn di động.

Hệ thống YouTube Charts hoạt động theo thời gian thực, cập nhật theo tuần, tháng và theo từng khu vực. Người dùng có thể truy cập charts.youtube.com để theo dõi các bảng xếp hạng theo từng quốc gia và thể loại.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 2.
YouTube Music - platform streaming được phát triển từ YouTube

Không chỉ dừng lại ở đó, YouTube cũng đề xuất tăng cường tích hợp dữ liệu của Charts với YouTube Music, mở rộng khả năng cá nhân hóa nội dung âm nhạc. Dù hiện tại giao diện ứng dụng YouTube Music vẫn chưa có BXH độc lập như Spotify hoặc Apple Music, nhưng người dùng có thể tìm thấy các playlist tổng hợp cập nhật tự động dựa trên dữ liệu từ YouTube Charts. Trong tương lai gần, YouTube được cho là sẽ bổ sung thêm tab “Charts” vào chính ứng dụng Music để mang lại trải nghiệm đồng bộ, minh bạch hơn cho người yêu nhạc.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 3.
Theo cập nhật sáng 21/7, YouTube đã bỏ phần hiển thị “thịnh hành” (top trending) ở mỗi video cụ thể

Theo cập nhật sáng 21/7, YouTube đã bỏ phần hiển thị “thịnh hành” (top trending) ở mỗi video cụ thể. Nhưng ở phần “Khám phá”, người dùng vẫn có thể tiếp cận BXH xu hướng, hiện đang chia thành nhiều bảng gồm “Video mới nhất”, “âm nhạc”, “trò chơi”, “phim ảnh”.

BXH âm nhạc thịnh hành vẫn đang giữ thứ hạng như trước đó, đứng đầu là Phương Mỹ Chi với màn trình diễn Túy Âm x Lục Hải Vi Vương tại Sing! Asia, #2 là BLACKPINK - JUMP và các video trình diễn của Em Xinh Say Hi lần lượt xếp trong top 10. Mất hiển thị top trending ở từng video, BXH thịnh hành không có quá nhiều cập nhật mới.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 4.
BXH âm nhạc thịnh hành vẫn đang giữ thứ hạng như trước đó

Chưa tối ưu hóa

Dù hệ thống Charts mới của YouTube được đánh giá là một bước tiến hợp lý nhằm phân loại xu hướng theo từng lĩnh vực cụ thể, nhưng không phải ai cũng hài lòng với trải nghiệm hiện tại. Một trong những bất cập lớn nhất là việc YouTube Music vẫn chưa có BXH riêng biệt, khiến người dùng gặp khó khăn nếu muốn theo dõi bảng xếp hạng bài hát theo cách trực quan và chính thức như trên Spotify hoặc Apple Music.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 5.
YouTube Charts vẫn chưa được hoàn thiện

Không ít người dùng cho rằng việc loại bỏ Trending truyền thống đã vô tình khiến nền tảng thiếu đi một điểm chạm quen thuộc. Với nhiều người, việc mở ứng dụng và kiểm tra xem hôm nay MV nào đang chiếm Top 1, hay tập nào của show truyền hình đang gây sốt đã trở thành thói quen. Với những khán giả không thường xuyên theo dõi các bảng phân loại riêng, việc nắm bắt xu hướng có thể trở nên phân tán và không rõ ràng như trước.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 6.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 7.
Từ góc độ nghệ sĩ, sự biến mất của Trending truyền thống cũng đồng nghĩa với việc mất đi một danh hiệu quan trọng từng được sử dụng để quảng bá sản phẩm

Từ góc độ nghệ sĩ, sự biến mất của Trending truyền thống cũng đồng nghĩa với việc mất đi một danh hiệu quan trọng từng được sử dụng để quảng bá sản phẩm. Những cột mốc như “Top 1 Trending chỉ sau 4 giờ”, MV leo top chỉ trong 1 đêm”... từng là các từ khóa chứng minh sức hút của một nghệ sĩ với công chúng và truyền thông. Giờ đây, việc lọt Top Music Videos hay Trending Songs vẫn mang tính thành tích, nhưng lại thiếu đi sự quen thuộc và “vinh danh cá nhân” cho từng video. Không phải ai cũng biết truy cập vào đâu để kiểm tra xem thần tượng mình có đang trong top hay không, nhất là với khán giả phổ thông, những người từng chỉ cần nhấn vào một tab duy nhất để biết tất cả.

Đáng nói, dù YouTube đã công bố xoá sổ Trending để tối ưu hóa trải nghiệm bằng hệ thống Charts chuyên biệt, thì ở thời điểm hiện tại, sự khác biệt so với trước vẫn chưa thật sự rõ rệt. Ngoại trừ việc gỡ bỏ hiển thị trending từng xuất hiện dưới các video âm nhạc, phần lớn người dùng vẫn chưa thấy được thay đổi lớn trong cách đề xuất nội dung hay BXH thịnh hành. Việc phân loại bảng xếp hạng theo từng lĩnh vực vẫn chưa được triển khai đồng bộ trên mọi nền tảng, và cảm giác khám phá “nội dung đang hot” vẫn thiếu đi sự trực quan, tiện lợi.

Từ hôm nay không còn top trending: Cả làng nhạc “bơ vơ” trước sự thay đổi của YouTube- Ảnh 8.
BXH dành riêng cho Việt Nam chưa được cụ thể hóa và hiển thị khoa học như BXH toàn cầu hay các thị trường được YouTube đề xuất

Ở thời điểm hiện tại, YouTube Charts vẫn chưa hoàn thiện. Dữ liệu dành riêng cho từng khu vực chưa được cập nhật chính xác. Điển hình như BXH dành riêng cho Việt Nam chưa được cụ thể hóa và hiển thị khoa học như BXH toàn cầu hay các thị trường được YouTube đề xuất. Muốn theo dõi cần phải gõ tìm kiếm khu vực. Dữ liệu mang tính ước chừng như “7 ngày gần nhất”, không đo lường chính xác mức độ tiếp cận của người dùng.

Rõ ràng, hệ thống mới của YouTube đi theo hướng chuyên sâu, phân mảng và hiện đại hơn, nhưng để thực sự chinh phục đại đa số người dùng, sẽ cần làm nhiều hơn thế: tích hợp bảng xếp hạng vào các ứng dụng như YouTube Music, cập nhật dữ liệu minh bạch theo từng quốc gia, cải thiện trải nghiệm truy cập, cá nhân hoá mà không mất đi tính cộng đồng, và quan trọng nhất là tìm lại được cảm giác hào hứng mà Top Trending từng mang lại cho cả người xem lẫn nhà sáng tạo nội dung.

Theo Tuyết Anh (Phụ Nữ Số)