Giới trẻ
16/09/2015 11:12Dở khóc dở cười khi sinh viên trọ nhờ nhà người thân
Đối với các tân sinh viên lần đầu sống xa nhà thì việc ở nhà người thân mang lại rất nhiều lợi ích. Nhưng hãy lường trước những tình huống khó xử mà bạn có thể gặp phải.
Mất tự do
![]() |
Cô bạn kể những lúc xin đi chơi, dì đều nói “sinh viên thì đi chơi ít thôi, mà đã là người tỉnh lẻ thì càng phải cố gắng mà học chứ đừng suốt ngày đi chơi”. Mỗi khi nghe dì nói câu này, Hoa đều cảm thấy buồn và chạnh lòng nhưng cũng chỉ biết im lặng.
Cùng cảnh ngộ với Hoa, bạn M.T.L.Giang (sinh viên trường Đại học Thương Mại) cho biết “Hồi đầu lên Hà Nội, mình trọ cùng người quen ở quê, mỗi lần đi chơi về đều bị cô ấy hỏi đi với ai, sao đi về muộn thế. Trong khi lúc đó mới chỉ 7 giờ. Có lần cô bắt gặp bạn trai đưa mình về, liền gọi điện mách bố mẹ mình, làm mình bị mắng lên bờ xuống ruộng.
Dù không bị cấm ra ngoài đi chơi như Hoa, bạn V.T.Linh (trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định) lại gặp phải hoàn cảnh khiến cô bạn phải thốt lên “ác mộng” mỗi khi nghĩ về khoảng thời gian ở nhờ nhà bác của mình.
Linh kể “Dù luôn dọn dẹp chăn màn, nhà cửa thường xuyên mình vẫn bị bác mắng là tính ương bướng, tiểu thư hay đi sớm về muộn. Nói chung, rất nhiều thứ bất tiện nên được một thời gian mình xin bố mẹ cho ra ngoài ở trọ. Tuy mất nhiều chi phí hơn nhưng cũng thoải mái được phần nào”.
Trở thành ô sin “bất đắc dĩ”
Không ít bạn gặp phải hoàn cảnh trở thành ô sin “tin cậy” khi đến ở trọ nhà người thân. N. T. Hoa (sinh viên trường Đại học Thủy Lợi) chia sẻ “Lúc đầu dì mình chỉ bảo rảnh thì giúp dì việc nhà, sau dần thì đây trở thành công việc hàng ngày của mình”.
Từ nấu ăn, quét nhà, lau dọn cầu thang (nhà dì Hoa có 6 tầng), rửa bát đều do một tay Hoa đảm nhận. Thế nhưng không dừng lại ở đó, Hoa kể “Nấu ăn mỗi nhà 1 kiểu mà nhà thì 4 người ăn 4 kiểu khác nhau. Mình nấu kiểu gì cũng bị chê tơi tả. Mỗi bữa, mình đều phải nấu đầy đủ 4 món: 1 món canh rau, 1 món cho chú uống rượu, 1 món xào, 1 món ăn mặn. Vừa phải đi chợ, vừa phải tự lên thực đơn mỗi bữa ăn. Mỗi ngày nghĩ đồ ăn cho 3 bữa cũng mệt luôn”.
Vào những ngày học sáng, Hoa phải dậy từ 5 giờ để đi chợ mua thức ăn về nấu bữa sáng cho gia đình dì xong xuôi rồi mới được đi học. Có lần đứa con nhỏ của dì ốm, Hoa đang học trên trường mà dì gọi bắt về bằng được để trông em. Dù không bằng lòng cũng không dám cãi lại vì sợ bị gọi là láo, không tôn trọng người lớn. Hơn nữa, công việc sau khi ra trường Hoa còn phải nhờ cậy dì nên bao nhiêu ấm ức cũng chỉ biết nuốt vào trong.
Vì làm việc nhà mà Hoa không có thời gian để học cũng như nghỉ ngơi. Cô bạn tâm sự “Mỗi tối thu dọn xong đã 9 giờ còn phải tắm giặt, người mệt lả chỉ muốn nằm ngủ chứ cũng không có tâm trạng để học tập”.
|
Nỗi lo lắng lớn nhất của tân sinh viên đến từ tỉnh lẻ dường như luôn là "ở đâu". |
Làm gì cũng phải để ý sắc mặt của người thân
“Vì ở nhờ nhà người thân, không mất chi phí ăn ở, sinh hoạt nên khi nói hay làm gì cũng đều phải để ý sắc mặt của mọi người trong gia đình, không được thoải mái khi ở nhà của mình” – là chia sẻ của nhiều sinh viên.
V.H.Ngọc (sinh viên Học viện Ngân hàng) chia sẻ “Nhiều lần mình vì chuyện bài vở trên trường mà tâm trạng buồn bực, nóng nảy. Dù vậy, trước mặt bác mình đều phải tỏ ra bình thường, cùng bác làm việc nhà. Mỗi lần bác bực tức chuyện gì là đổ lên đầu mình, nhưng vì mang tiếng ở nhờ nhà bác, mình đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
![]() |
Nhiều sinh viên đã chọn cách rời khỏi nhà người thân ra ở trọ bên ngoài để giữ hòa khí. |
Trước những tình huống “dở khóc dở cười” mà nhiều tân sinh viên gặp phải khi sống nhờ người thân, một lời khuyên dành cho các bạn sinh viên đó là cần cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định.
Bạn cần tìm hiểu và nắm bắt được các thói quen sinh hoạt của thành viên gia đình người thân để thích ứng và ứng xử sao cho hài hòa. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định rõ việc được và mất khi đến ở nhờ nhà người thân để xem mình có khả năng chấp nhận những phiền toái sẽ xảy ra sau này hay không?
Theo Yến Phạm (Tamguong.vn)