Trời mưa to gió lớn khiến đường ngập và tầm nhìn bị hạn chế, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro như cây đổ, tôn bay… Dưới đây là một số lưu ý để đảm bảo an toàn cho tài xế lái xe trong điều kiện mưa bão.

Do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được dự báo sẽ mưa to đến rất to từ ngày 21 đến hết ngày 23/7, có thể gây ngập úng ở khu đô thị và những vùng trũng thấp.

Đi kèm với mưa lớn còn là những đợt gió mạnh có thể làm gãy đổ cây cối, hư hại các công trình trên đường, gây ra nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Chính vì vậy, các tài xế cần lưu ý một số điều sau nhằm tránh những rủi ro không đáng có khi lái ô tô dưới thời tiết mưa bão.

Giữ tốc độ an toàn và khoảng cách với xe trước

Trong điều kiện mưa bão, tầm nhìn của người lái chắc chắn sẽ bị giảm. Mặt đường cũng trở nên trơn trượt khiến cho việc xử lý các tình huống bất ngờ trở nên khó khăn hơn.

Do đó, tài xế cần chú ý quan sát phía trước, duy trì tốc độ hợp lý để có đủ thời gian phản ứng. Các chuyên gia khuyên rằng, dưới trời mưa, nên đi với tốc độ thấp hơn khoảng 10-20 km/h so với bình thường để giữ xe ổn định.

lai-xe-troi-mua-bao.jpg

Tuyệt đối không bám đuôi, bám sát xe chạy phía trước bởi đường trơn và tầm nhìn bị hạn chế sẽ khiến hiệu quả phanh không tốt như bình thường.

Khi đối mặt với các tình huống cần giảm tốc độ hoặc phanh, tài xế nên chủ động rà phanh từ sớm. Việc này không chỉ giúp kiểm soát xe tốt hơn mà còn tránh được nguy hiểm khi phanh gấp, ví dụ như hiện tượng lốp xe bị trượt, gây mất lái và tiềm ẩn nguy cơ va chạm với các phương tiện phía sau.

Bật đèn sương mù, đèn chiếu gần

Cùng với việc đi chậm, tài xế khi di chuyển trong điều kiện mưa bão cần bật đèn sương mù và đèn chiếu gần (đèn cốt) để giúp hỗ trợ tăng khả năng quan sát.

oto-den-suong-mu.jpg

Ánh sáng từ đèn sương mù và đèn chiếu gần giúp người lái nhìn rõ hơn các vật cản, chướng ngại vật và các phương tiện khác trên đường. Đồng thời, bật đèn chiếu gần, đèn sương mù hay đèn định vị cũng giúp người khác dễ nhận biết được xe của bạn hơn, giảm nguy cơ xảy ra va chạm.

Cân nhắc khi đi qua vùng ngập

Trời mưa lớn có thể khiến nhiều đoạn đường bị ngập sâu. Trước khi lái xe qua đường ngập nước, tài xế cần xác định được độ sâu mực nước. Nếu mực nước ngập cao qua sàn xe, không nên cho xe lội qua để tránh gây ảnh hưởng đến động cơ cũng như nguy cơ chết máy.

Khi lái xe trong vùng ngập nước ở mức an toàn (dưới tâm bánh xe), hãy về số thấp (số sàn) hoặc chuyển sang chế độ bán tự động và chạy đều ga để từ từ vượt qua đoạn ngập mà không bị tình trạng nước lọt vào ống xả.

ngap-duong.jpg

Tuyệt đối không cố chạy qua vùng nước cao quá nửa lốp xe nếu xe bạn là dòng gầm thấp. Bởi ngoại trừ xe SUV gầm cao, xe bán tải thì với đa phần các dòng xe gầm thấp đến trung bình, giới hạn mức nước an toàn là nửa lốp xe.

Nếu cố vượt qua vùng ngập nước sâu hơn thì khả năng cao nước sẽ tràn vào cổ hút gió, có thể gây ra hiện tượng thủy kích, làm chết máy và hư hỏng động cơ.

Xử lý khi xe bị chết máy

Trong trường hợp xe không may bị chết máy, tuyệt đối không khởi động lại xe. Bởi việc này dễ khiến xe bị thủy kích, tay biên bị cong hoặc gãy, thậm chí lốc máy có thể vỡ, chi phí sửa chữa sẽ rất tốn kém.

Khi xe bị chết máy ở chỗ ngập, tài xế nên chuyển cần số về vị trí N để có thể đẩy tới vị trí cao hơn và gọi cứu hộ. Trong lúc đợi cứu hộ tới, nếu có thể, tài xế nên mở nắp ca-pô và tháo cọc của bình ắc-quy để tránh hiện tượng rò điện.

Không nên cố vượt bão

Khi mưa quá lớn, mật độ hạt mưa dày thì dù cần gạt nước có hoạt động hết công suất cũng không đủ để đảm bảo tầm nhìn cho người lái. Ngoài ra, khi trời mưa bão có giông lốc và gió giật mạnh, khiến cả ô tô cũng bị rung lắc, khó kiểm soát hơn.

Gió lớn còn dễ làm cho cây bên đường bị gãy, đổ rất nguy hiểm. Vì vậy, trong trường hợp này, tài xế tốt nhất không nên cố đi tiếp.

Thay vào đó nên tạm dừng, đỗ xe ở vị trí an toàn đợi trời bớt mưa rồi mới tiếp tục hành trình. Vị trí lý tưởng nhất là những tạm dừng nghỉ, các bãi đỗ xe có mái che, trạm xăng, trung tâm thương mại hoặc những nơi cao ráo, thoáng đãng để đỗ xe mà không làm ảnh hưởng đến xe khác.

cay-do-oto.jpgMưa bão kèm gió giật mành có thể khiến nhiều cây xanh bị bật gốc, ngã đổ đè lên ô tô.

Cần tránh các vị trí như dưới cây lớn, biển quảng cáo, mái tôn, cột điện hoặc trạm biến áp bởi đây là những khu vực dễ xảy ra sự cố như cây đổ, gãy cành hay vật thể rơi trong điều kiện gió mạnh.

Theo Lê Tuấn (Tiền Phong)