Pháp luật
25/02/2016 09:5827 tỉnh, thành điều tra vụ Liên Kết Việt lừa đảo
Chân dung trùm lừa
![]() |
Bị can Nguyễn Thị Thủy - Phó tổng giám đốc Cty Liên Kết Việt (đứng), trợ thủ đắc lực giúp Lê Xuân Giang thực hiện hành vi lừa đảo. |
Theo cơ quan điều tra, vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” do Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt cầm đầu xảy ra trong một thời gian ngắn (2014 - 2015) nhưng có tính chất rất phức tạp, quy mô rộng khắp 27 tỉnh, thành trên cả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và gây bức xúc trong xã hội.
“Khi khởi tố vụ án, chúng tôi xác định có khoảng 45 nghìn nạn nhân nhưng sau đó con số tăng lên rất nhanh, hiện giờ đã là 60 nghìn nạn nhân và chưa dừng lại ở đó, số tiền chiếm đoạt cũng không dừng lại ở 1.900 tỷ đồng”. Đại tá Trần Quang Huy |
Số tiền chiếm đoạt có thể lớn hơn 1.900 tỷ đồng
Cũng theo cơ quan điều tra, một trong những hành vi có dấu hiệu lừa đảo khác của Lê Xuân Giang và đồng phạm đó là, các đối tượng đã ban hành các văn bản, quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, soạn thảo, ký khống 2 loại hợp đồng “Hợp đồng bán hàng đa cấp; Hợp đồng phân phối” để yêu cầu người tham gia nộp tiền vào Cty. Kết quả điều tra bước đầu xác định, thực tế Cty Liên Kết Việt đã bỏ ra hơn 7 tỷ đồng mua 5 mặt hàng (máy khử độc ozone và 4 loại thực phẩm chức năng) để kinh doanh và số hàng này đã được bán, thu về hơn 9,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cty Liên Kết Việt đã lợi dụng việc bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng chiêu trò: Theo quy định Liên Kết Việt đặt ra, mỗi nhà phân phối tham gia vào hệ thống bán hàng được cấp một mã kinh doanh và phải nộp số tiền tối thiểu 8,6 triệu đồng để được quyền mua một mã hàng gồm 1 máy ozone và các loại thực phẩm chức năng nêu trên. Giang dùng mánh khóe “nếu ai nhận hàng thì không được tích điểm thưởng”. Chính vì vậy, Giang chỉ phải bỏ ra 7 tỷ đồng tiền hàng mà thu về 1.900 tỷ đồng của 60 nghìn người.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, trong tổng số tiền 1.900 tỷ đồng nêu trên, Cty Liên Kết Việt đã sử dụng chi hoa hồng trên 65%, vi phạm Nghị định 42/NĐ-CP ngày 14/5/2014 của Chính phủ. “Khi khởi tố vụ án, chúng tôi xác định có khoảng 45 nghìn nạn nhân nhưng sau đó con số tăng lên rất nhanh, hiện giờ đã là 60 nghìn nạn nhân và chưa dừng lại ở đó, số tiền chiếm đoạt cũng không dừng lại ở 1.900 tỷ đồng. Người bị lừa ít nhất là 8,6 triệu đồng nhưng cũng có không ít người bị lừa lên tới 5-6 tỷ đồng. Những người này do hám lợi đã huy động tiền bạc của bạn bè, người thân để gửi vào Cty Liên kết Việt hoặc các chi nhánh để hưởng tiền hoa hồng” - Đại tá Trần Quang Huy - Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an cho biết.
Nạn nhân Liên kết Việt trình báo ở đâu ? Theo C46, trong một năm, Công ty Liên kết Việt đã thành lập trụ sở chính, chi nhánh, đại lý ở 27 tỉnh, thành, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Đà Nẵng, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Ninh, Đắk Lắk, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Bình. Hiện phòng cảnh sát kinh tế thuộc công an các địa phương này là đơn vị tiếp nhận các thông tin trình báo của nạn nhân trong vụ lừa đảo liên quan đến Liên kết Việt. |
Theo Dương Lê (Tiền Phong)