Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã thống nhất đưa 6 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ sữa Hiup.
tham nhũng - Ảnh 1.
Quang cảnh phiên họp thứ 28. Ảnh: TTXVN

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực họp sáng nay họp phiên thứ 28 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban chỉ đạo.

Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo với 10 vụ án và 6 vụ việc do đã giải quyết xong theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, 4 vụ án và 2 vụ việc mới được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, bao gồm:

- Vụ án "đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung và các đơn vị có liên quan.

- Vụ án "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; đưa hối lộ; môi giới hối lộ" xảy ra tại Công ty cổ phần khoa học TSL và các cơ quan, tổ chức liên quan.

- Vụ án "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty ZHolding (sản xuất sữa bột Hiup giả - PV).

- Vụ án "tàng trữ trái phép chất ma túy; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần trung ương và một số đơn vị, địa phương liên quan.

- Vụ việc có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và đưa hối lộ xảy ra tại Công ty khoa học và công nghệ Avatek.

- Vụ việc có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Quang Thịnh, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và hàng loạt lãnh đạo, nhân viên Công ty Z Holding, để điều tra về các hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, liên quan đến sản phẩm sữa HIUP.

Kết quả điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định: “Sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27” được đóng thành hộp, lon sữa bột gồm 3 loại: 420 gram, 650 gram và 800 gram và một số loại dạng chất lỏng khác được sản xuất tại nhà máy công ty cổ phần Thương mại và sản xuất Nature Made từ ngày 8/8/2024 đến ngày 5/3/2025 không đảm bảo thành phần và hàm lượng các chất dinh dưỡng như “Bản đăng ký công bố sản phẩm".

Theo quy định tại Nghị định số 98/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sản phẩm trên là hàng giả.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với 10 đối tượng về 2 nhóm hành vi: vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Với bê bối tại Cục An toàn thực phẩm, hồi tháng 5, Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Thanh Phong, cựu cục trưởng và hàng loạt cán bộ thuộc đơn vị này, để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Vụ sữa giả HIUP, bê bối tại Cục An toàn thực phẩm vào diện T.Ư theo dõi - Ảnh 2.
Cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong

Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần dược phẩm liên danh MediPhar và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Tài liệu điều tra cho thấy, để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, lãnh đạo các công ty thống nhất chi tiền "lobby" cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm.

Nhóm này đã chi cho đoàn thẩm định tổng số 1,065 tỉ đồng để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi. Từ đó, Cục An toàn thực phẩm cấp 4 Giấy chứng nhận GMP cho Công ty Mediusa và Công ty MediPhar; tạo điều kiện cho Công ty Mediusa và Công ty MediPhar sản xuất thực phẩm giả với số lượng lớn…

HL (sohuutritue.net.vn)