Các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, không chỉ nhằm vào người dân mà lãnh đạo các đơn vị như công an, điện lực, nước sạch cũng trở thành mục tiêu. Khi kẻ giả danh tình cờ đối mặt với… người thật, các đối tượng liền tắt máy.

Mạo danh công an để lừa đảo: Liều lĩnh, vụng về rồi biến mất

Vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao trước đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại tình huống căng thẳng, đầy nghi vấn: một người mặc áo công an liên tục xưng là cán bộ C04 – Công an TP Hà Nội, đồng thời ép buộc một thanh niên phải “phối hợp điều tra”.

Người đàn ông trong clip liên tục đưa ra các thông tin cá nhân chi tiết của nạn nhân như tên, ngày sinh, nơi cư trú và trường học: “Em học trường Công nghệ FFT đúng không? Khai báo thật thà vào. Trần Quang Huy đâu rồi?... Lê Doãn Quang Huy đúng không?

Sinh ngày 20/12/2005, ở xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đúng không?... Làm căn cước chưa?” Người này không chỉ chất vấn dồn dập mà còn liên tục thay đổi giọng điệu, từ bình tĩnh sang lớn tiếng quát nạt: “Ngồi ngay ngắn vào! Nhìn thẳng mặt lên! Đùa với em à?”.

Ngay sau đó, đoạn clip kết thúc khi người đàn ông bất ngờ “bốc hơi” không để lại lời giải thích nào. Sự việc khiến nhiều người hoang mang, đồng thời dấy lên nghi ngờ về danh tính thật sự của “cán bộ công an” trong clip.

Clip cuộc hội thoại do Công an tỉnh Tuyên Quang cung cấp.

Thực tế, đây không phải lần đầu các đối tượng mạo danh công an xuất hiện với thủ đoạn tinh vi, nhưng kịch bản lại quá... sơ hở. Cuối năm 2023, Công an tỉnh Tuyên Quang từng công bố một đoạn clip vừa hài hước vừa đáng lo ngại: một kẻ mạo danh “Đại úy Trần Văn Hùng” thuộc Công an TP Hà Nội đã gọi video cho Thượng úy Nguyễn Hoàng – người thật, việc thật.

Chỉ chưa đầy 3 phút, “đại úy rởm” đã nhận ra sai lầm nghiêm trọng khi phát hiện mình đang đối thoại với một công an thật sự. Anh ta lập tức lặng lẽ... tắt máy và biến mất không để lại dấu vết – không một lời xin lỗi, không một câu chào.

Lãnh đạo ngành điện, nước cũng bị “gọi điện dọa cắt”

Không chỉ công an, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước cũng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các cuộc gọi lừa đảo. Một lãnh đạo Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết ông từng nhận được cuộc gọi từ những kẻ giả danh nhân viên ngành điện.

Chiêu trò quen thuộc là thông báo sắp bị cắt điện vì chưa thanh toán, sau đó "chuyển máy" cho người mạo danh kỹ thuật viên hướng dẫn người dân “cập nhật lại dữ liệu” trên hệ thống.

Nguy hiểm hơn, chúng dụ dỗ người dân truy cập các đường link lạ hoặc cài đặt ứng dụng giả mạo có giao diện giống hệt website chính thức của EVN. Khi người dân cài đặt các ứng dụng này, toàn bộ quyền kiểm soát điện thoại – kể cả tài khoản ngân hàng – có thể bị chiếm đoạt.

Ông Lại Văn Thịnh – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông - chia sẻ: “Tôi cũng từng nhận được cuộc gọi dọa cắt nước. Nhưng khi thấy không thể lừa được, chúng cúp máy và biến luôn”.

Phó Tổng Giám đốc Hoàng Văn Thắng cũng cho biết gần đây có nhiều khách hàng phản ánh bị gọi điện yêu cầu thanh toán tiền nước qua các tài khoản lạ. “Công ty khẳng định không bao giờ thực hiện việc thu tiền qua hình thức gọi điện yêu cầu chuyển khoản”, ông nhấn mạnh.

Ông Thắng cũng đưa ra cảnh báo: “Khách hàng cần tỉnh táo, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ trực tiếp bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty qua số 024.3252.5656 hoặc 083.252.5656 để được hướng dẫn và xác minh”.

Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Hà Nội) nhận định, những tình huống “dở khóc dở cười” kể trên cho thấy sự liều lĩnh của các đối tượng giả danh, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự cảnh giác trong xã hội hiện nay.

Không phải ai cũng may mắn như các lãnh đạo hay cán bộ an ninh – những người đủ kinh nghiệm và nghiệp vụ để buộc kẻ gian “biến mất không lời từ biệt”. Do đó, mỗi người dân cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng nhận diện các thủ đoạn lừa đảo để không trở thành "con mồi" tiếp theo trong mạng lưới giả danh ngày càng tinh vi.

Theo Tiến Dũng (VietNamNet)