Pháp luật
16/07/2025 21:32Vụ án tại Cục An toàn thực phẩm: Có buông lỏng kiểm tra, giám sát?
"Mua bán giấy phép" trá hình
Theo kết luận điều tra ban đầu, các bị can đã cấu kết với doanh nghiệp để nhận hối lộ hơn 75 tỷ đồng, nhằm cấp khống hoặc làm giả gần 10.000 hồ sơ công bố sản phẩm. Những hồ sơ này, trên danh nghĩa, là giấy tờ do Cục ATTP tiếp nhận, thẩm định, xác nhận để cho phép lưu hành sản phẩm ra thị trường. Nhưng thực tế, hàng loạt sản phẩm không đủ điều kiện, thậm chí không rõ nguồn gốc, không qua quy trình kiểm nghiệm, đã được “hợp pháp hóa” qua hình thức "mua bán giấy phép" trá hình.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hiện hệ thống văn bản pháp quy khá hoàn chỉnh trong lĩnh vực này, bao gồm: Luật An toàn thực phẩm 2010, quy định các điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm và công bố sản phẩm; Nghị định 15/2018/NĐ‑CP, hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; Thông tư 43/2014/TT‑BYT, Thông tư 18/2019/TT‑BYT, Thông tư 09/2015/TT‑BYT, điều chỉnh các thủ tục công bố sản phẩm, cấp phép quảng cáo, kiểm nghiệm, sản xuất GMP, hồ sơ công bố…
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, cơ chế "hậu kiểm", tức giám sát sau khi doanh nghiệp tự công bố, lại thiếu hiệu lực, công cụ quản lý chưa số hóa, và sự thiếu minh bạch trong thẩm quyền.
Ông Tuấn cho rằng, vai trò của Trung tâm hỗ trợ thủ tục hành chính trực thuộc Cục ATTP, dù không có chức năng thẩm định nội dung hồ sơ, nhưng lại được giao tiếp nhận và phối hợp xử lý hồ sơ công bố sản phẩm. Đây là lỗ hổng cơ chế bị lợi dụng để hình thành đường dây “chạy giấy phép” có tổ chức, có phân công vai trò cụ thể, từ cán bộ nhận hồ sơ, môi giới trung gian, đến lãnh đạo ký duyệt cuối cùng.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, vụ án không chỉ dừng lại ở hành vi cấp phép sai, hồ sơ giả, vụ án còn đặt ra dấu hỏi lớn về vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý, thậm chí có thể mở rộng trách nhiệm tới lãnh đạo Bộ Y tế. Việc hàng nghìn sản phẩm không đảm bảo an toàn được “hợp pháp hóa” và lưu hành suốt thời gian dài mà không bị phát hiện, cho thấy sự buông lỏng trong kiểm tra, giám sát. Câu hỏi đặt ra: Ai đang kiểm tra người kiểm tra? Và khi chính cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân lại tiếp tay cho hành vi trục lợi, thì đâu là điểm tựa của kỷ cương pháp luật?
Giải mã cơ chế và trách nhiệm trong vụ án
Luật sư Lê Vĩnh Thuỵ - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Đây là hệ quả tất yếu của một mô hình quản lý theo kiểu ‘vừa đá bóng, vừa thổi còi’.”
Theo Luật sư Thuỵ, sự lỏng lẻo trong phân định giữa cấp phép và kiểm tra đã khiến cơ quan có quyền cấp phép đồng thời kiểm tra chính hoạt động của mình, dẫn đến mất tính khách quan, thiếu giám sát độc lập và tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Đặc biệt, việc Trung tâm hỗ trợ thủ tục hành chính, một đơn vị không có thẩm quyền chuyên môn lại được tham gia vào quy trình xử lý hồ sơ là biểu hiện rõ ràng của sự “hợp thức hóa” quyền lực sai lệch, biến bộ máy nhà nước trở thành nơi tiếp tay cho doanh nghiệp “mua bán giấy phép”.
Luật sư Thuỵ nhấn mạnh: “Không thể đổ lỗi cho lỗ hổng hệ thống rồi bỏ qua trách nhiệm cá nhân. Khi vụ việc kéo dài, có hệ thống và thu lợi hàng chục tỷ đồng, không thể chỉ là hành động riêng lẻ của một vài cá nhân”.
Tiến sĩ Lưu Hoài Bảo - Trưởng bộ môn Tội phạm học, Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Vụ án có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có sự cấu kết giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp”.

TS Bảo cho rằng hành vi “cấp phép khống”, làm giả tài liệu, nhận hối lộ với số tiền lớn như trong vụ án này không chỉ là vi phạm hành chính hay đạo đức công vụ, mà nếu đủ các dấu hiệu khác sẽ cấu thành tội phạm với hình thức đồng phạm có tổ chức, với các dấu hiệu như: “Tội nhận hối lộ” (Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017); “Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 356); “Tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Điều 341).
Đáng chú ý, TS Bảo nhấn mạnh rằng: “Khi cơ quan công lập có dấu hiệu bị doanh nghiệp chi phối hoặc hợp tác bất chính, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm xói mòn niềm tin vào toàn bộ hệ thống hành chính công".

Với tư cách là người nghiên cứu các vụ án liên quan đến nhóm tội phạm về chức vụ quyền hạn, Luật sư Nguyễn Văn Lâm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Trong vụ việc này, các cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong vụ việc này là chủ thể đặc biệt, tức người có chức vụ quyền hạn. Đồng thời, việc xác định hành vi ‘cấp phép khống’ là mấu chốt”. Bởi lẽ, cấp phép khống tức là việc cơ quan có thẩm quyền không thực hiện thẩm định thực tế, không kiểm nghiệm trên thực tế, không đảm bảo tiến hành quy trình, điều kiện theo quy định pháp luật nhưng vẫn “hợp pháp hóa” sản phẩm thông qua các loại giấy chứng nhận, xác nhận do chính cơ quan này cấp – điều này tạo điều kiện cho hàng hóa không đủ tiêu chuẩn tràn vào thị trường.
Luật sư Lâm cũng đề nghị cơ quan tố tụng cần làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng khác như: Vai trò chỉ đạo của lãnh đạo Cục ATTP; trách nhiệm giám sát của Bộ Y tế - cơ quan chủ quản; và nhất là việc phân cấp không rõ ràng cho Trung tâm hỗ trợ thủ tục hành chính. Theo Luật sư, trung tâm này lẽ ra chỉ nên thực hiện vai trò hỗ trợ, nhưng lại được “tiếp tay” cho cả khâu xác nhận hồ sơ.
Cơ quan điều tra nhận định rằng hệ thống kiểm tra, cấp phép cho ngành thực phẩm chức năng đang tồn tại nhiều kẽ hở; cách làm mang tính hình thức, thiếu minh bạch và dễ bị thao túng...
Mặt khác, theo quan điểm của Luật sư Lâm, để điều chỉnh quan hệ xã hội này hiện nay nhà làm luật đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nhưng kể cả khi cơ chế pháp lý rõ ràng nhưng bộ máy vận hành lệch lạc, bị thao túng bởi quyền lực và đồng tiền, các cá nhân vận dụng và áp dụng pháp luật không khách quan và đặt nặng yếu tố vật chất, quyền lợi cá nhân lên trên trách nhiệm và đạo đức thì dù văn bản có chặt chẽ đến đâu cũng khó có thể thực hiện được trên thực tế, thậm chí khi này các quy trình do luật định lại trở thành vỏ bọc cho hành vi sai trái.