Thế giới
20/12/2015 09:54Báo Mỹ: Hải quân Nga sẽ mạnh nhất thế kỷ 21
Tạp chí National Interest vừa tiết lộ về chiến lược phát triển của Hải quân Nga và khẳng định Moscow sẽ sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế kỷ 21.
Tạp chí National Interest vừa tiết lộ về chiến lược phát triển của Hải quân Nga và khẳng định Moscow sẽ sở hữu lực lượng hải quân mạnh nhất thế kỷ 21.
Hải quân của thế kỷ 21
Theo bản báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân (ONI) thuộc Lầu Năm Góc, những thành tựu Nga đạt được trong chiến lược xây dựng lực lượng hải quân hàng đầu thế giới là rất khả quan dù gặp phải những hạn chế trong khả năng cơ động lực lượng và phương tiện.
"Hải quân Nga thậm chí sẽ còn trở thành mối đe dọa lớn hơn so với thời Xô viết"- báo cáo của ONI cho biết.
Trong bản báo cáo của mình ONI đã đề cập đến việc Nga đóng tàu khu trục hạt nhân mới Leader được thiết kế có trang bị các hệ thống hỏa lực hạt nhân để đáp ứng các nhiệm vụ kỹ thuật mới. Theo kế hoạch, Nga định trang bị cho tàu chiến này tổ hợp năng lượng turbin khí nhưng công nghệ này đã có từ thời Liên Xô và đã trở nên lạc hậu.
Trong khi đó, Leader được thiết kế theo kiểu lai tạp giữa tàu khu trục và tuần dương hạm để sẵn sàng thực hiện các đòn tấn công từ trên không cũng như từ trên biển, đồng thời lại có khả năng thực hiện chức năng phòng không. Vì vậy, Nga đã lựa chọn động cơ hạt nhân cho loại tàu thế hệ mới này.
Ngoài ra, ONI cũng đề cập đến việc chế tạo các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới. Tuyên bố về kế hoạch chế tạo lớp tàu ngầm hạt nhân mới đã được chính Anatoli Shmelov, người phụ trách mảng trang bị vũ khí cho hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ từ năm 2006.
Vị quan chức này cho biết, Nga đã bắt tay vào chế tạo các tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ mới nhất. Các tàu ngầm này có thể đảm bảo duy trì vững chắc khả năng tác chiến cho các tàu ngầm dạng “Yuri Dolgoruki”, cũng như thực hiện các nhiệm vụ phức tạp khác.
Với chiến lược và sự đầu tư mạnh mẽ, trong khoảng 15 năm tới, các tàu ngầm thế hệ 4 lớp Borei, Yasen, Lada sẽ trở thành lực lượng nòng cốt của Hải quân Nga. Và đến sau năm 2030, Nga còn có thể bắt tay vào chế tạo tàu ngầm thế hệ 5 được trang bị các loại tên lửa đạn đạo dạng Bulava và các tên lửa có cánh dạng Kalibr.
Trong tương lai dài hạn (đến khoảng năm 2050) Nga còn có thể bắt tay vào thiết lập các trạm đa chức năng dạng modul dành cho tàu ngầm và tàu nổi. Với những kế hoạch đầy tham vọng trên, Hải quân Nga có thể trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ 21, National Interest kết luận.
![]() |
Chiến hạm tàng hình tương lai Leader của Nga. |
"Leader" và tham vọng của Nga
Theo Sputnik, khu trục Leader sẽ có lượng giãn nước tới gần 2 vạn tấn, có sức mạnh vượt trội hầu hết các khu trục hạm và tuần dương hạm tiên tiến trên thế giới và sẽ là một chiến hạm mặt nước chủ lực của hải quân Nga trong tương lai.
Vậy sức mạnh của chiến hạm này so với các tàu khu trục “đồng hạng” của Mỹ và Trung Quốc ra sao? Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc đã có bài phân tích, đánh giá sức mạnh của các tàu khu trục DDG-1000 lớp Zumwalt của Mỹ, Type 055 của Trung Quốc và Leader của Nga.
Theo nguồn tin của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, hải quân nước này đã giao cho Cục thiết kế Phương Bắc chịu trách nhiệm thiết kế, nghiên cứu chế tạo khu trục hạm thế hệ mới, nằm trong chương trình hiện đại hóa trang bị quân đội Nga có tổng kinh phí 325 tỷ USD, đến năm 2020 sẽ thay mới 70% trang bị.
Công tác thiết kế bắt đầu được triển khai vào đầu năm 2015 và đến Army-2015 vừa qua, con tàu chính thức lộ diện với mô hình thiết kế sử dụng động cơ turbin khí. Tuy nhiên, hải quân Nga cũng đã phê duyệt cả 2 thiết kế sử dụng động cơ thông thường và động cơ hạt nhân.
Khu trục hạm tương lai lớp Leader của hải quân nước này có chiều dài khoảng 200m, rộng 20m với lượng giãn nước lên tới 17.500 tấn. Tàu được đạt vận tốc 30 hải lý/h, với khả năng hành trình tối đa trên biển mà không cần tiếp liệu là 90 ngày.
Với kích thước cực lớn, Leader xứng đáng là khu trục hạm lớn nhất thế giới, vượt qua cả tuần dương hạm lớp Slava của Nga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ và khu trục hạm Type 055 của Trung Quốc, chỉ chịu kém mỗi tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov của Nga.
Hệ thống hỏa lực cực mạnh: Xem xét các vị trí lắp đặt vũ khí có thể thấy rằng con tàu có hệ thống hỏa lực cực mạnh, xứng với danh xưng là “kho vũ khí trên biển”. Boong trước lắp đặt 1 khẩu pháo hạm, phía sau nó dày đặc các tổ hợp phóng tên lửa thẳng đứng, gồm nhiều kích cỡ.
Có thể nhận thấy, mặt trước boong chia làm 3 đơn nguyên phóng, đơn nguyên phía trước và giữa, mỗi đơn nguyên là 6 cụm, mỗi cụm 4 ống phóng; phía sau lả 6 cụm, mỗi cụm 8 ống phóng có kích thước nhỏ hơn. Ở phần giữa tàu, phía sau đài chỉ huy cũng được thiết kế chỗ lắp đặt các hệ thống phóng.
Nhìn từ góc độ này có cảm giác như con tàu là một căn cứ tên lửa di động trên biển, thể hiện rõ tư tưởng lấy tên lửa làm trọng của hải quân và cả quân đội Nga. Theo một số nguồn tin con tàu này được trang bị tổng cộng 204 quả tên lửa chống hạm, phòng không và chống ngầm.
Cụ thể, tàu có khả năng mang theo 60 tên lửa hành trình chống hạm tầm xa thế hệ mới P-800 Onyx, 128 quả tên lửa phòng không tầm gần, tầm trung và tầm xa, trong đó có cả phiên bản trên hạm của S-500 và S-350E Vityaz (có tầm phóng 500 và 250km), cùng với 16 quả tên lửa chống ngầm.
Sự hiện diện của những hệ thống phòng không tiên tiến như S-500 và S-350 đã giúp con tàu có hệ thống phòng không nhiều tầng lớp, giúp nó có khả năng đánh chặn tất cả các phương tiện tấn công từ trên không như máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.
Hải quân Nga bằng 50% Hải quân Mỹ
Theo Cổng thông tin Hải quân Nga ngày 24/7/2015, năm 2014, sức mạnh chiến đấu của Hải quân Nga đã bằng 51,73% của Hải quân Mỹ, năm trước đó là 45,48%.
Nguồn tin này cho biết, chỉ trong 2 năm từ 2012 - 2014, sức mạnh chiến đấu của Hải quân Nga tăng đến 21,14%. Cụ thể năm 2011 tỉ lệ này là 52%, năm 2012 là 42,7%, năm 2013 là 45,48% và đến 2014 sức mạnh Hải quân Nga bằng 51,73% của Hải quân Mỹ đang là lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.
Trong giai đoạn từ 2011 đến 2012, sức mạnh Hải quân Nga giảm so với Mỹ do thời gian này Hải quân Mỹ đưa vào hoạt động nhiều tàu ngầm và tàu chiến mới, gia tăng thêm sức mạnh chiến đấu của Mỹ.
Bước đột phá với Hải quân Nga đến từ năm 2014. Cụ thể, Moscow đã tăng tỉ lệ về sức mạnh chiến đấu do bổ sung thêm 3 tàu ngầm hạt nhân, 2 tàu ngầm điện - diesel Kilo, 3 tàu hộ tống tên lửa cỡ nhỏ, cùng nhiều tàu hậu cần và tàu thuyền khác.
Cùng năm này Hải quân Mỹ cho nghỉ hưu 1 tàu ngầm hạt nhân, 1 tàu tuần duyên, 1 tàu đổ bộ chở trực thăng. Mỹ đang tiếp tục cho nghỉ hưu và bán các tàu khu trục lớp Oliver Hazard Perry đã cũ.
Nếu chỉ dựa vào lực lượng tàu chiến chủ lực thì sức mạnh chiến đấu của Hải quân Nga chỉ ở mức 48,27% của Hải quân Mỹ. Lý do là Nga còn thiếu lực lượng viễn chinh hùng mạnh, với các tàu ngầm hạt nhân đa năng cùng các tàu mặt nước có tầm tác chiến ở các vùng biển xa, tàu sân bay.
Việc so sánh này dựa vào chủng loại tàu, lượng choán nước và chủ yếu với các tàu đang trong tình trạng tác chiến, không tính các tàu đang trong thời kỳ lên ụ sửa chữa (mất 3 năm), Cổng thông tin Hải quân Nga cho biết.
>> Hệ thống phòng thủ Mỹ khó chống tên lửa Nga
Theo Thùy Dung (Đất Việt)