Thế giới
28/01/2016 08:57Bước đi của Việt Nam trong tự chủ sản phẩm quốc phòng
Khi trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XII, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Viettel sẽ sản xuất những vũ khí chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc.
"Đối với đất nước ta hiện nay, việc bảo đảm cho Quân đội có vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc là điều hết sức cần thiết", Thứ trưởng Trương Quang Khánh nói.
Theo Thứ trưởng Khánh, trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, Viettel tự nghiên cứu, phát triển các sản phẩm đó đã đóng góp tích cực vào việc trang bị cho Quân đội ta và làm chủ trang bị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Chính trị đã có nghị quyết chuyên đề về chiến lược trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam và tới 3 nghị quyết về xây dựng phát triển công nghiệp quốc phòng. Việc Viettel tham gia vào nghiên cứu, chế tạo những sản phẩm quốc phòng đã đóng góp một cách trực tiếp và có hiệu quả cho việc đảm bảo vũ khí, trang bị cần thiết cho các lực lượng làm nhiệm vụ của Quân đội ta.
Máy thông tin, ra đa là những thiết bị thông tin quân sự lần đầu tiên được sản xuất bởi một công ty Việt Nam (Viettel) có tiêu chuẩn ngang với quốc tế.
Thứ trưởng Trương Quang Khánh cũng cho biết, trong điều kiện hiện nay, nếu phải đầu tư, nhập ngoại, phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài thì việc đảm bảo an ninh, an toàn sẽ rất khó có thể thực hiện được.
Việc chủ động nghiên cứu chế tạo (hay nói như Viettel: người Việt Nam tự thiết kế, chế tạo cho người Việt Nam) những trang bị có tính năng kỹ thuật phù hợp không thua kém gì của nước ngoài là phương hướng rất đúng đắn, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, khả năng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cũng như tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phù hợp với chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật quân sự trong giai đoạn hiện nay.
Trả lời câu hỏi, khi Tập đoàn Viễn thông Quân đội báo cáo về việc sẽ tham gia nghiên cứu phát triển, sản xuất trang bị quân sự, Thứ trưởng Khánh lý giải, theo cơ chế chính sách hiện hành của Chính phủ, Viettel được để 10% lợi nhuận trước thuế cho công tác nghiên cứu, phát triển. 10% lợi nhuận trước thuế của Viettel năm trước là khoảng 2.000tỷ đồng.
"Nếu các đồng chí biết rằng, trong 10 năm vừa qua, nguồn ngân sách của Nhà nước cung cấp cho các đầu mối làm công tác nghiên cứu của Bộ Quốc phòng chỉ đạt gần 1.200 tỷ thì mới thấy 2.000 tỷ đồng là rất lớn.
Nghĩa là khoản ngân sách của Viettel dành cho công tác nghiên cứu phát triển lớn gấp hơn 10 lần nguồn ngân sách nhà nước có thể cấp cho Quân Đội. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đó thì phải xây dựng, giải quyết rất nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách, vì thực chất vẫn là tiền của nhà nước", Thứ trưởng nói.
Thượng tướng Trương Quang Khánh cho biết, sản phẩm tiếng vang cho Viettel đó là cải tiến rada P19 –sản phẩm hợp tác giữa Viettel và Viện kỹ thuật Quân sự Phòng không Không quân.
Viện kỹ thuật phòng không không quân đã nghiên cứu sản phẩm đó 5 năm liền, nhưng không có đủ ngân sách kết thúc đề tài. Sự tham gia của Viettel cả về ngân sách và đội ngũ trong vòng 6 tháng, chúng ta đã hoàn thành được.
"Nói một cách khác, Viettel cung cấp một cú hích rất quan trọng cho nhóm nghiên cứu của Viện kỹ thuật quân sự Phòng không không quân. Điều quan trọng hơn với Viettel, sản phẩm hợp tác đầu tiên đó là cơ sở làm bàn đạp để các đồng chí đi những bước tiếp theo", Thứ trưởng Trương Quang Khánh nhấn mạnh.
Liên quan đến việc sản xuất máy bay không người lái, Thứ trưởng Khánh cho biết, chúng ta mong muốn máy bay bay xa hơn, mang được nhiều trang bị hơn, truyền dữ liệu trực tiếp về sở chỉ huy nhanh chóng, kịp thời và Viettel đã nghiên cứu trong 3 năm vừa qua, nhưng kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, còn phải làm rất nhiều việc.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Trương Quang Khánh cũng cho biết, Bộ chỉ đạo Viettel ưu tiên phát triển các trang bị quân sự theo thế mạnh của Viettel (như máy thông tin liên lạc, các thiết bị thông tin di động…), làm sao chúng ta sản xuất được cho các đơn vị khai thác sử dụng, dần dần cải tiến, nâng cấp loại thiết bị cơ bản này cho Quân đội.
Riêng trong lĩnh vực rada, Viettel kỳ vọng rất lớn, Bộ Quốc phòng cũng đặt niềm tin vào Viettel, giao cho Viettel phối hợp với các đầu mối khác nghiên cứu thì là chương trình 5 năm, 10 năm, thậm chí còn dài hơn nữa. Vũ khí, trang bị cho quân sự rất nhiều, đa dạng, các đồng chí tham gia được vào quá trình nghiên cứu chế tạo là rất tốt và đúng hướng.
Theo Hoà Sơn (Đất Việt)