Thế giới
21/11/2016 10:37Chưa hết “đại thanh trừng”, Thổ Nhĩ Kỳ tuyển gấp 30.000 quân
Hàng loạt sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ ở các cơ sở NATO không chịu về nước, trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang phải tuyển thêm hơn 30.000 quân.
Ngày 20-11-2016, căng thẳng giữa Mỹ-NATO với Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục gia tăng khi Tổng thống nước này là ông Recep Tayyip Erdogan tiếp tục cáo buộc NATO đang “bao che” cho các quân nhân nước này, đã tham gia vào cuộc đảo chính quân sự diễn ra vào ngày 15/7.
Theo truyền thông Đức, một số quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ trong căn cứ NATO tại thị trấn Ramstein của Đức đã gửi đơn xin tị nạn đến các cơ quan chức năng của Đức. Như kênh truyền hình SWR, thông tin này đã được cơ quan quản lý Quận Kaiserslautern xác nhận.
Những quân nhân này đưa ra lý do xin tị nạn vì tình hình chính trị hỗn loạn trong nước hậu đảo chính. Theo cơ quan quản lý Đức, tại căn cứ Ramstein có khoảng 40 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đóng quân cùng với gia đình họ. Tuy nhiên, không rõ số lượng binh sĩ đã gửi đơn.
Tuy nhiên, sau đó các nguồn tin của phương tiện truyền thông Đức đã xác nhận rằng, không chỉ có các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ phục vụ tại căn cứ không quân Ramstein gửi đơn đến chính quyền Đức xin tị nạn, mà còn có cả những sĩ quan cao cấp thuộc các đơn vị khác.
Theo đó, trong số người đã gửi đơn xin tị nạn ở Đức còn có cả những chuyên gia, quan chức quân sự làm việc trong Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, sĩ quan liên lạc tại văn phòng NATO tại Đức và một số nhân viên liên lạc, hậu cần tại thành phố Koblenz.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã thông báo việc một số sĩ quan và chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại các nước thành viên NATO mà họ đang làm việc. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh, chính quyền của các nước đó sẽ ra quyết định đồng ý hay không, chứ không phải là ban chỉ huy NATO.
![]() |
Sau cuộc đảo chính ngày 15/7, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lâm vào khủng hoảng trầm trọng |
Ngày 20/11, cựu lãnh đạo bộ phận tình báo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ismail Hakki Pekin cho biết rằng, không ít quân nhân trong số đã nộp đơn xin tị nạn, thời gian qua bị coi là mất tích, vì không liên hệ được với họ và họ cũng không gửi thông tin về báo cáo.
Ông Pekin còn cho biết rằng, Bộ trưởng Nội vụ của Đức mới đây đã tuyên bố "đơn xin tị nạn từ phe đối lập (của Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ được tiếp nhận. Theo ông Pekin, sự chấp nhận đơn của quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tị nạn ở Đức có thể tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Berlin.
Là một thành viên quan trọng của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra vô cùng giận dữ với các lãnh đạo tổ chức này sau cuộc đảo chính, vì cho rằng chính quyền của họ không được ủng hộ rõ ràng. Căng thẳng càng trở nên trầm trọng khi sau chính biến, nhiều sĩ quan và chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc cho NATO đã xin tị nạn chính trị để trốn khỏi sự trừng phạt của Ankara.
Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng, không thể chấp nhận việc những sĩ quan hay chuyên gia quân sự trở thành khủng bố, sau khi tham gia đảo chính hôm 15/7, lại có mặt phục vụ trong hàng ngũ NATO. Và việc tổ chức này chấp thuận đề nghị tị nạn kiểu như vậy là không thể chấp nhận được.
Thổ Nhĩ tuyển 30.000 quân hậu “Đại thanh trừng”
Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu vừa qua đã đưa tin rằng, mức độ của cuộc “Đại thanh trừng” trong các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ còn ghê gớm hơn rất nhiều so với những gì người ta biết. Các vụ bắt bớ hàng loạt sau cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua, đã khiến quân đội nước này chao đảo.
Hiện nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tuyển dụng hơn 30.000 quân nhân mới để bù đắp quân số thiếu hụt, sau khi hàng nghìn sĩ quan cao cấp đã bị sa thải, hàng nghìn người khác đang bị bắt giữ và một số lượng rất lớn đang nằm trong diện bị điều tra.
Theo nguồn tin trên, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tuyển dụng 30.159 quân nhân mới để bù đắp khoảng trống lực lượng của nước này, bao gồm 1.322 sỹ quan, 3.547 hạ sỹ quan, 7.159 binh sỹ đã qua huấn luyện và 11.907 binh sỹ hợp đồng.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, chính quyền của ông Erdogan đã bắt giữ tổng cộng hơn 37.000 người trong khi miễn nhiệm và đình chỉ công tác đối với 100.000 người trong các ngành dân sự, tư pháp, quân sự.
Trong chiến dịch “Đại thanh lọc quân đội”, lực lượng an ninh và quân cảnh nước này đã bắt giữ 9.300 sỹ quan quân đội, bãi nhiễm và đình chỉ công tác hàng nghìn sỹ quan quân đội khác do có dính líu đến âm mưu lật đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan.
Các đối tượng này bị tình nghi có liên hệ với phong trào của Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen - nhân vật hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, bị cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành nói trên và hiện đang bị Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ bắt và dẫn độ về nước xét xử.
![]() |
“Đại thanh lọc” chưa kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải tuyển gấp hơn 30.000 quân |
Chính quyền Ankara cho rằng, những sĩ quan ủng hộ ông Gulen đã dành nhiều năm để thâm nhập các cơ quan quân sự nhằm mục tiêu lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, giáo sỹ Gulen vẫn kiên quyết bác bỏ các cáo buộc của Ankara và cũng đưa ra tuyên bố lên án vụ đảo chính.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ luôn khẳng định rằng việc làm trong sạch bộ máy quân đội nước này sau vụ đảo chính không ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của nước này, bởi họ vẫn có thể phát động chiến dịch “Lá chắn Euphrates” nhằm vào người Kurd ở Syria (YPG), chỉ hơn 1 tháng sau khi xảy ra đảo chính.
Ngoài ra, quân đội nước này cũng đang tập trung nhân lực vào cuộc đấu tranh chống các tay súng nổi dậy thuộc “Đảng công nhân người Kurd” (PKK) ở khu vực Đông Nam đất nước và làn sóng gia tăng các vụ khủng bố đẫm máu xuyên biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng chiến dịch “Đại thanh trừng” trong các cơ quan công quyền, đặc biệt là “Đại thanh lọc quân đội” của Ankara đã ảnh hướng khá nghiêm trọng đến lực lượng quân sự nước này, đặc biệt là sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng phi công tinh nhuệ.
Sau chiến dịch bắt bớ, điều tra trên diện rộng này, hàng nghìn sĩ quan dày dạn kinh nghiệm đã bị kết án tù hoặc bị sa thải, để lại những lỗ hổng rất lớn trong hàng ngũ chỉ huy quân sự - khoảng trống mà phải hàng chục năm nữa quân đội nước này mới có thể lấp đầy.
Theo Nhật Nam (Đất Việt)