Thế giới
11/02/2015 14:07Đài Loan: Nhiều phi công không biết cách tắt động cơ hỏng
CAA sẽ công bố kết quả kiểm tra vấn đáp đối với 71 phi công lái ATR-72 của hãng TransAsia trong ngày hôm nay. Chỉ những phi công qua được kỳ thi vấn đáp này mới được tham dự kỳ sát hạch thứ hai trên mô hình điều khiển máy bay ở nước ngoài.
![]() |
Nhiều phi công TransAsia không qua được kỳ sát hạch về cách xử lý sự cố hỏng động cơ. Ảnh minh họa |
CAA đã yêu cầu toàn bộ 71 phi công điều khiển máy bay ATR-72 của hãng TransAsia phải tham gia kỳ kiểm tra bắt buộc này sau khi chiếc máy bay mang số hiệu GE235 của hãng này đâm xuống sông Cơ Long hồi tuần trước khiến 40 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 3 người mất tích.
Đây là thảm họa hàng không thứ hai của hãng TransAsia trong vòng 7 tháng, và đều là những vụ tai nạn liên quan đến máy bay ATR-72. Hồi tháng 7 năm ngoái, một chiếc ATR-72 đã rơi xuống một ngôi làng khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay ở Bành Hồ trong thời tiết mưa bão.
Khi điều tra vụ máy bay đâm xuống sông Cơ Long, nhà chức trách Đài Loan phát hiện ra rằng động cơ số 2 của chiếc ATR-72 này đã ngừng hoạt động ngay sau khi cất cánh, khiến tín hiệu cảnh báo vang lên trong buồng lái.
Sau khi nghe tín hiệu cảnh báo, thay vì tắt động cơ số 2, hai phi công trên máy bay đã tắt nhầm động cơ số 1 vốn đang hoạt động bình thường. Không còn động cơ nào hoạt động, chiếc máy bay mất sức nâng và lao nhanh xuống sông Cơ Long.
|
Sai sót "chết người" của phi công được cho là nguyên nhân khiến máy bay lao xuống sông Cơ Long |
Giám đốc Cơ quan Kiểm soát Không lưu Lee Jian-kuo cho hay theo quy định, phi công phải liên lạc với kiểm soát viên không lưu khi máy bay đạt độ cao từ 244 đến 305 mét. Tuy nhiên phi công đã không liên lạc, buộc kiểm soát viên không lưu phải gọi về đài kiểm soát.
Ông Lee giải thích: “Khi đài kiểm soát không lưu tìm cách liên lạc với chiếc máy bay, phi công đồng thời cũng gọi về cho đài, khiến tín hiệu bị nhiễu. Đó là lý do tại sao đài kiểm soát không lưu không nghe thấy tín hiệu cấp cứu”.
Ngày 11/2, Hội đồng AN toàn Hàng không Đài Loan (ASC) cũng đe dọa sẽ rút giấy phép bay của hãng hàng không TransAsia nếu các điều tra viên của họ phát hiện bất cứ sai phạm nào trong hoạt động của hãng này.
Hiện TransAsia đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế khi buộc phải hủy hàng chục chuyến bay vì các phi công phải tham gia kỳ thi sát hạch do CAA tổ chức. Hiện TransAsia đã bị cấm mở thêm các đường bay quốc tế sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên.
Trước khi xảy ra vụ tai nạn, hãng TransAsia đang vận hành một đội bay gồm 11 chiếc ATR-72 trên các tuyến bay nội địa từ Đài Bắc tới các khu vực lân cận.