Thế giới
05/01/2016 13:49Israel ngồi trên đống lửa trước đe dọa của thủ lĩnh IS
Giới chức và các chỉ huy tình báo Israel lo ngại về khả năng Nhà nước Hồi giáo tự xưng hiện thực hóa lời đe dọa tấn công nhằm vào nước này.
![]() |
Nhóm phiến quân trung thành với IS ở Sinai, Ai cập. |
Theo nhật báo Le Temps của Thụy Sĩ, giới chức Israel nhận định lời đe dọa này hoàn toàn có cơ sở và đáng được xem xét một cách nghiêm túc.
"Chúng ta không được xem nhẹ lời đe dọa này, IS luôn thực hiện những gì mà chúng tuyên bố, đặc biệt đó là phát ngôn của thủ lĩnh tối cao của phiến quân, người giữ im lặng suốt 6 tháng qua", một cựu quan chức của cục An ninh nội địa Israel (SHABAK) cho biết.
Cũng theo quan chức này, gần đây, IS đã chịu nhiều tổn thất về lực lượng, trang thiết bị vũ khí, cũng như đánh mất nhiều lãnh thổ tại Syria và Iraq. Vì thế, để gây dựng lại hình ảnh trong thế giới Hồi giáo và các quốc gia Arab, các chỉ huy IS cho rằng cần phải thực hiện tấn công thực sự vào Israel và việc thất hứa sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của tổ chức.
Nhà báo người Đức Jurgen Todenhofer, nhà báo duy nhất được phiến quân đồng ý cho sống và tác nghiệp tại lãnh thổ nhóm kiểm soát trong 10 ngày, mới đây đăng tải một bài báo tiết lộ các chỉ huy IS thừa nhận "sợ hãi" trước khả năng chiến đấu của quân đội Israel và cho rằng quân đội Israel là quân đội duy nhất có thể chiến thắng phiến quân khi giao tranh trên bộ.
"Điều đó là không thể chấp nhận được đối với các thủ lĩnh IS, nhiều khả năng chúng sẽ tiến hành một cuộc tấn công nhằm lấy lại uy tín của mình", bình luận viên Serge Dumont dẫn lời một quan chức thuộc SHABAK.
Đánh giá về các hướng tấn công của phiến quân, các chuyên gia quân sự Israel loại trừ khả năng nhóm này sẽ xâm nhập từ phía cao nguyên Golan bởi quân đội Israel đã thiết lập một hàng rào an ninh vững chắc với nhiều trạm chốt dày đặc, có sức chiến đấu và phòng thủ cao.
Chi nhánh phiến quân ở bán đảo Sinai (màu cam), Ai Cập là mối lo thường trực đối với Israel. Ảnh: Stratfor
Tuy nhiên, mối đe dọa được đánh giá tiềm tàng nhất nằm ở vùng sa mạc Sinai, giáp biên giới với Ai Cập, nơi nhóm phiến quân Wilayat Sinai (Tỉnh Sinai) đã tuyên bố trung thành với IS, đang hoành hành và gây nhiều khó khăn cho các lực lượng an ninh Ai Cập từ năm 2013.
Theo trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ, khi bắt đầu nổi lên năm 2011 và được biết đến với cái tên Ansar Beit al-Maqdis, hay "Người ủng hộ Jerusalem" mục tiêu của nhóm này bao gồm hủy diệt Israel và tạo lập một nhà nước Hồi giáo tại bán đảo Sinai. Ansar Beit al-Maqdis thực hiện nhiều vụ bắn rocket qua biên giới vào Israel, và được tin là đã đánh bom đường ống vận chuyển khí đốt tới Israel và Jordan.
"Đây chắc chắn sẽ là các phương thức mà chúng thực hiện trong thời gian tới nhưng với một quy mô lớn hơn nhiều lần", Alon Ben-David, phóng viên quân sự kỳ cựu của kênh truyền hình quốc gia Israel cho biết.
Alon Ben-David phân tích ngoài khả năng tấn công từ bên kia biên giới, lời kêu gọi của al-Baghdadi còn có khả năng thúc đẩy các phần tử Hồi giáo cực đoan ủng hộ IS hành động trong lòng đất nước Israel.
Theo SHABAK, năm 2014, một nhóm khủng bố bị phá vỡ sau khi người đứng đầu là Adnan Jamil Ala Din, một luật sư nổi tiếng ở Nazareth tự nhận là thủ lĩnh cao cấp của IS. Ông và một số ít các tín hữu đã được huấn luyện trong nhiều tuần tại một trang trại hẻo lánh ở Galie trước khi bị bắt.
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)