Mỹ đã để cho Pháp, Đức đơn độc trên mặt trận ngoại giao để đòi Nga phải chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn tại Ukraina. Tuy nhiên, trên thực tế, lúc nào Washington cũng tiếp tay cho hai đồng minh Châu Âu duy trì sức ép lên Tổng thống Putin trong khi thương lượng và trong trường hợp hiệp ước thất bại, theo nhận định của giới chuyên gia chính trị.
Mỹ đã để cho Pháp, Đức đơn độc trên mặt trận ngoại giao để đòi Nga phải chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn tại Ukraina. Tuy nhiên, trên thực tế, lúc nào Washington cũng tiếp tay cho hai đồng minh Châu Âu duy trì sức ép lên Tổng thống Putin trong khi thương lượng và trong trường hợp hiệp ước thất bại, theo nhận định của giới chuyên gia chính trị.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tuớng Đức Angela Merkel sau cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington hôm 9.2.

 
Văn kiện thỏa thuận ngưng bắn tại Minsk hôm 12.2 sau 16 giờ đồng hồ thương lượng chỉ là một "niềm hy vọng lớn nhưng không bảo đảm thành công lâu dài", đem lại hòa bình cho Ukraina sau 10 tháng xung đột. Nhận định thận trọng trên đây của Tổng thống Pháp François Hollande cho thấy thỏa thuận mà phương Tây và Ukraina đạt được với Nga chỉ là một nghị định thư sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ 0h ngày 15.2.
 
Các biện pháp ngưng bắn, rút vũ khí nặng… từng được quy định trong thỏa thuận ngày 5.9 cũng tại Minsk nhưng cho đến nay không được tôn trọng.
 
Có thể nói, hiếm khi Mỹ từ bỏ truyền thống siêu cường lên tuyến đầu trong các hồ sơ quốc tế nghiêm trọng. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đứng ngoài cuộc đàm phán theo thể thức Normandy gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande, Tổng thống Ukraina Petro Porochenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
 
Mỹ cũng không gửi quan sát viên đến Belarus.
 
Theo phân tích của chuyên gia Judy Dempsey thuộc Viện nghiên cứu Carnegie Europe, Tổng thống Mỹ khi tiếp Thủ tướng Đức tại Nhà Trắng 48 giờ trước đó đã "ủy nhiệm" hồ sơ Ukraina cho châu Âu.
 
Nhận định này đã bị chính quyền Mỹ phủ nhận. Một viên chức cho biết lúc nào cũng có một sự "phối hợp chặt chẽ" giữa Washington, Paris và Berlin "trong suốt đêm 11 rạng 12.2 để đưa ra các nguyên tắc giải quyết khủng hoảng Ukraina đã được ký tại Minsk".
 
Trước đó, đích thân Tổng thống Obama điện đàm với đồng sự Nga Putin, còn phó Tổng thống Joe Biden gặp lãnh đạo Ukraina tại Munchen.
 
Giới lãnh đạo Châu Âu cũng nhận định rằng chính những lời tuyên bố của Tổng thống Obama về khả năng "gửi vũ khí cho quân đội Ukraina" đã tạo sức bật cho nỗ lực ngoại giao tại bàn thương lượng.
 
Giới phân tích quốc tế cũng cho rằng sự kiện Châu Âu lên tuyến đầu trong mặt trận ngoại giao là hợp lý vì khủng hoảng Ukraina bắt nguồn từ thái độ của Tổng thống bị lật đổ Viktor Ianoukovitch, khi ông vào giờ chót từ chối ký kết hiệp định thành viên liên kết với Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 11.2013.
 
Chính hành động này bị xem là "bội phản" này đã đưa đến những cuộc biểu tình của phe đối lập thân Châu Âu và bị đàn áp đẫm máu tại quảng trường Maidan. Cuối cùng Tổng thống Ianoukovitch phải bỏ chạy, bước đầu làm đổ vỡ quan hệ Nga và Châu Âu.
 
Tuy hoan nghênh thỏa thuận Minsk nhưng Mỹ cũng thận trong không kém đồng minh EU. Cả hai tiếp tục duy trì áp lực với Nga. Một viên chức Mỹ cho biết trong trường hợp thỏa thuận ngưng chiến bị thất bại, Mỹ sẽ viện trợ vũ khí cho Ukraina. Hôm 12.2, Thủ tướng Merkel cũng đe dọa: Nếu lệnh ngưng bắn không được tôn trọng, EU sẽ ban hành thêm biện pháp cấm vận nước Nga.
 
Theo G.M (Lao Động)