Thế giới
09/11/2015 08:44Nga mượn cớ tăng cường phòng không để cấp S-300 cho Syria?
Nga có thể mượn cớ đề phòng IS cướp máy bay không kích để tăng cường khả năng phòng không cho đồng minh Syria.
Tư lệnh lực lượng không quân Nga Viktor Bondarev ngày 5-11 cho biết, Nga sẽ đưa các hệ thống tên lửa phòng không (AAMS) tới Syria để ngăn chặn các vụ tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS lấy trộm máy bay để tấn công vào các lực lượng Nga và các mục tiêu của chính phủ Syria.
"Chúng tôi đã tính đến tất cả các mối đe dọa tiềm năng và đưa tới đó không chỉ máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, máy bay trực thăng, mà cả các hệ thống tên lửa phòng không. Bởi vì có thể xảy ra các hoàn cảnh bất khả kháng khác” - ông Bondarev nói.
Vị tư lệnh không quân Nga nhấn mạnh, “giả sử có hành vi trộm máy bay quân sự trên lãnh thổ các nước láng giềng Syria và tấn công cụm quân Nga. Vì vậy lực lượng Nga tại Syria phải sẵn sàng cho điều này" - ông Viktor Bondarev nói khi trả lời phỏng vấn báo "Komsomolskaya Pravda".
Ngoài ra, ông Bondarev còn ám chỉ tình huống lực lượng IS có thể tiếp cận và đánh chiếm máy bay chiến đấu Nga hay của Syria tại các căn cứ không quân nước này, hoặc của Mỹ, sau đó dùng chiến lợi phẩm thu được đánh trả lại chính lực lượng Nga tại Syria.
Tháng 9 vừa qua, Nga đã đưa các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến là SA-22 Pantsir-S, do chính lính Nga vận hành đến Syria nhằm bảo vệ các cơ sở trọng yếu của nước này và căn cứ không quân Hmeymim ở Latakia khỏi sự tấn công của máy bay tầm thấp và các loại vũ khí tấn công mặt đất.
![]() |
Nga có thể lợi dụng tình thế để giao S-300 cho Syria |
Tuy nhiên, Pantsir-S chỉ là các hệ thống phòng không tầm thấp và phạm vi bảo vệ ngắn, khó có thể bảo đảm an toàn cho các căn cứ Nga và các mục tiêu trọng yếu của Syria trước các cuộc không kích của máy bay chiến đấu.
Do đó, có thể trong đợt này Moscow sẽ đưa các hệ thống phòng không tầm trung đến Syria. Có khả năng Nga sẽ triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung Buk-M2 và bổ sung thêm một số hệ thống phòng không tầm gần, độ cao thấp Tor-M2.
Tor-M2 được trang bị đạn tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa từ 1-15km, độ cao từ 10m tới 10 km, tấn công đồng thời 4 mục tiêu cùng lúc, dùng kiểu dẫn vô tuyến, khả năng tác chiến đánh địch trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử mạnh.
Buk-M2 là hệ thống phòng không tầm trung cực mạnh, có thể đánh chặn hầu hết mục tiêu bay, bao gồm cả tên lửa đạn đạo. Tổ hợp trang bị nhiều loại đạn tên lửa, có thể đạt tầm bắn từ 3-50km, độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 10m tới 25km, có thể hạ thủ 24 mục tiêu cùng lúc.
Tuy chỉ cần các hệ thống Buk cũng đủ khả năng bảo vệ các mục tiêu trong yếu ở Syria, nhưng cũng không loại trừ khả năng Nga sẽ triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, sử dụng các loại đạn tầm bắn tới 200km, có khả năng đánh chặn cả tên lửa đạn đạo.
![]() |
Ngoài ra, các hệ thống Buk cũng có thể được chuyển giao cho Syria |
Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng, rất có thể tuyên bố mang hệ thống phòng không sang Syria để đề phòng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo của Nga là nhằm đánh lạc hướng, mục đích chính của Moscow là xây dựng hệ thống phòng không chống máy bay Mỹ-NATO.
Nếu nhận định này là đúng thì Moscow sẽ triển khai cả các hệ thống phòng không tối tân nhất là Pantsir, Tor, Buk và cả S-300 đến Syria để biến nước này thành một pháo đài phòng không mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu S-300 được mang sang Syria, nó còn có một mục đích khác.
Nga mượn cớ tăng cường phòng không để “tặng” S-300 cho Syria?
Một số chuyên gia quân sự nhận định, không thể loại trừ khả năng Njga mượn cớ tăng cường lực lượng phòng không để hợp thức hóa “âm mưu” chuyển các hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Syria, trước đây Moscow đã phải hủy bỏ để đạt được thỏa thuận “đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình”.
Trước đây, vào năm 2010, Nga và Syria đã ký kết hợp đồng trị giá gần 900 triệu USD, cung cấp 4 tổ hợp phòng không S-300PMU2 (theo cơ cấu mỗi tổ hợp 6 bệ phóng) và 144 quả tên lửa và một số thiết bị khác. Mỗi tổ hợp S-300 có giá khoảng 115 triệu USD, cộng thêm 1 triệu USD mỗi quả tên lửa.
Syria đã thanh toán khoản tiền đầu tiên thuộc giai đoạn 1 của hợp đồng này. Và Nga cũng đã bàn giao cho Syria các tổ hợp phóng và 1 số thiết bị bảo đảm kỹ thuật, vật tư khác. Đồng thời, Moscow cũng đã chuyển giao các khí tài huấn luyện của S-300 và cũng cử chuyên gia sang chỉ đạo huấn luyện.
Theo xác nhận của Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (TSAMTO), việc cung cấp các tổ hợp S-300 cho Syria đã bắt đầu diễn ra từ năm 2012, theo chế độ bảo mật tối đa. Đến năm 2013, trên lãnh thổ Syria đã có đủ thành phần cơ bản của 4 tiểu đoàn S-300 mua của Nga theo hợp đồng đã ký năm 2010.
Tuy nhiên, Nga mới thực hiện bàn giao xong giai đoạn 1, thì hợp đồng đã bị hủy bỏ do những khúc mắc trong quan hệ với Israel và sự kiện Mỹ đe dọa tấn công bằng tên lửa hành trình vào nước này, sau cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học.
Syria đã không nhận được các tổ hợp thiết bị đặc biệt quan trọng, có chức năng kết nối các tổ hợp khác thành một thể thống nhất, thuộc giai đoạn 2 của kế hoạch, bao gồm: Thiết bị chỉ huy cốt lõi của hệ thống chỉ huy, kiểm soát và chỉ huy chiến đấu; trạm radar và thiết bị đo đạc độ cao.
![]() |
Sức mạnh của hệ thống S-300 có thể giúp Syria nâng cao khả năng phòng không |
Vào tháng 8-2014, sau khi hủy hợp đồng mua bán các hệ thống S-300 với Iran, Moscow tuyên bố, một phần thiết bị của hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã bàn giao cho Syria sẽ được Nga hủy tại chỗ, phần còn lại chưa bàn giao dự kiến sẽ sử dụng trong các hợp đồng khác.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Moscow đã không hủy các hệ thống đã bàn giao cho Syria mà cất trữ tại chỗ, khi cần thiết, chỉ cần 3 tàu vận tải hoặc một máy bay vận tải siêu nặng là có thể vận chuyển nốt số khí tài còn thiếu để hình thành khả năng tác chiến.
Do đó, rất có thể đợt thông báo tăng cường lực lượng phòng không ở Syria lần này chỉ là một cái cớ để Moscow hiện thực hóa kế hoạch trang bị các loại vũ khí hiện đại cho Damascus, trong đó có việc hoàn thiện các tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao-tầm xa S-300PMU2.
Ngoài ra, sau khi tiêu diệt được IS, có thể Nga sẽ để lại các trang, thiết bị trinh sát, một số hệ thống S-300, Buk, Tor, thậm chí là cả máy bay chiến đấu làm “quà tặng” cho Syria, bổ sung sức mạnh cho các hệ thống S-200 Angara và Pantsir-S1, giúp nước này hình thành hệ thống phòng không rất mạnh.
Moscow dự định rằng, nếu tiêu diệt xong IS, Syria sẽ tiến hành hiệp thương chính trị. Nếu chính quyền Damascus hiện nay còn trụ vững (rất có khả năng), có thể phương Tây sẽ lại kiếm một cái cớ nào đó để tấn công nước này nhằm xóa bỏ tận gốc cái gai Barsha al-Assad.
Khi đó, Syria cũng đã được nâng cấp về sức mạnh đủ khả năng chống chọi trong một khoảng thời gian để tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khác.
Theo Thiên Nam (Đất Việt)