Thế giới
07/04/2017 08:52Tàu tuần tra thường trực Trung Quốc đến cửa nhà Malaysia
Tàu tuần tra Trung Quốc tái xuất hiện và đe dọa phía Malaysia gần Bãi cạn Luconia ở Biển Đông.
Bãi cạn Luconia nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) mà Malaysia tuyên bố chủ quyền.
![]() |
Tàu hải cảnh Trung Quốc lại xuất hiện trước cửa nhà Malaysia. |
Thông tin về sự xuất hiện của các tàu cảnh sát biển Trung Qốc đã bị truy vết bởi tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) - một thành phần của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Mỹ, và tổ chức phi vụ lợi Trung tâm nghiên cứu quốc phòng hiện đại (C4ADS).
Hồi tháng 1 và 2/2017, chỉ có một tàu Malaysia tuần tra Bãi cạn Luconia, theo AMTI và C4ADS, và tàu này đến gần một tàu Trung Quốc để giám sát sự hiện diện của tàu tuần tra Trung Quốc.
Tàu Trung Quốc thường gắn súng máy, có thể do quân đội điều hành trong thời chiến. Chiếc lớn nhất lởn vởn gần Bãi cạn Luconia là một tàu 5.000 tấn lớp Shuoshi II.
Hai tổ chức Mỹ này cho hay, sự hiện diện trong suốt 2 tháng qua của tàu Trung Quốc không phải bất thường. Đây là các chuyến tàu nằm trong kế hoạch tuần tra luân phiên thường xuyên của 11 tàu tuần tra Trung Quốc ở vùng Luconia kể từ cuối năm 2015 mà 2 tổ chức này truy vết.
![]() |
Các tàu tuần tra hoạt động gần vùng biển của Malaysia được truy vết. |
Trung Quốc đã có nhiều động thái phản ứng mạnh mẽ với Malaysia kể từ sự kiện điều đội tàu tới bãi ngầm Jame và tổ chức chào cờ tại đó.
Cuối tháng 3/2013, Trung Quốc đã điều đội tàu 4 chiếc, dẫn đầu là tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn tới bãi ngầm James - cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" phi pháp mà Trung Quốc tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.
Đội tàu đã ngang nhiên cử hành lễ chào cờ tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc tại đây.
Đến tháng 1/2014, Trung Quốc lại tiếp tục triển khai đội gồm 3 tàu tới bãi ngầm James. Các quan chức Malaysia vào thời điểm đó bác bỏ các thông tin trên truyền thông địa phương về ý định xây một căn cứ quân sự mới trên đảo Borneo để đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Trung Quốc.
Vốn là quốc gia chủ trương mềm mỏng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, tuy nhiên, động thái điều tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn dài 200m của Trung Quốc ở bãi James đã kéo sự chú ý của quốc gia này.
Sang năm 2015, Malaysia từ bỏ chủ trương mềm mỏng, thương lượng hoặc đàm phán trực tiếp trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông sang phản đối điều mà quốc gia này gọi là sự xâm lược từ phía Trung Quốc.
Đầu tháng 6/2015, chính quyền Malaysia tuyên bố sẽ phản đối vụ tàu hải cảnh Trung Quốc thâm nhập vào lãnh hải nước này ở vùng biển phía Bắc đảo Borneo.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Malaysia, ông Shahidan Kassim khi đó khẳng định tàu công vụ của Trung Quốc đã xâm nhập vào một khu vực không phải là vùng có tranh chấp chủ quyền. Malaysia đang có “hành động ngoại giao” để phản đối Bắc Kinh và Thủ tướng nước này Najib Tun Razak sẽ trực tiếp nêu vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Kuala Lumpur đã thấy rõ, họ càng nhân nhượng Trung Quốc càng lấn tới, vì tham vọng độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa đường lưỡi bò cho đến giờ vẫn là mục tiêu bất biến.
Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi hồi tháng 11/2015 đã kêu gọi đất nước này cần phải bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông trước sự xâm lấn, dù không nói rõ nhưng ám chỉ các hành vi leo thang của Trung Quốc.
"Cộng đồng quốc tế phải nhìn thấy điều này, đây không chỉ là vấn đề của nền kinh tế mà là chủ quyền. Biển Đông chỉ là một cái tên, nhưng 200 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế là thuộc biên giới của chúng tôi", Phó Thủ tướng Malaysia tuyên bố.
Tàu Trung Quốc được cho là đã rút về hồi cuối năm 2015, nhưng AMTI và C4ADS nêu “xem ra tàu Trung Quốc quay trở lại lập tức”.
![]() |
Sự kiện Trung Quốc chào cờ tại bãi ngầm James thay đổi thái độ của Malaysia. |
Tới tháng 3/2016, Malaysia triệu tập Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích tại sao có nhiều tàu mang cờ Trung Quốc trong lãnh hải Malaysia.
Tới tháng 3 vừa qua, Malaysia tái khẳng định chủ quyền của nước này đối với các lãnh thổ trên Biển Đông.
Hôm 20/3, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman đã xác định rằng cùng với các quốc gia ASEAN khác, Malaysia không hề công nhận bản đồ "đường chín đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông.
Ông khẳng định: "Không hề có yêu sách hay tranh chấp lãnh thổ chồng lấn giữa Malaysia và Trung Quốc ở Biển Đông" mà tất cả những gì nằm trong vùng thuộc thẩm quyền hàng hải của Malaysia đều thuộc về Malaysia.
Đối với ông Anifah Aman, quân đội Trung Quốc quả là có hiện diện ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất của thế giới, nhưng không phải là trong vùng biển của Malaysia và không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia Malaysia.
Ngoại trưởng Malaysia tuy nhiên đã nói thêm là "các hành động của Trung Quốc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và thay đổi động lực địa chính trị trên Biển Đông", vì thế chính quyền Malaysia luôn đặc biệt chú ý đến các diễn biến ở Biển Đông.
Theo Kim Hoa (Đất Việt)