Trong thời gian bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra còn phải đối mặt với một cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc "vi phạm tiêu chuẩn đạo đức".

Theo tờ The Nation, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) ngày 14/7 đã bỏ phiếu thông qua quyết định điều tra Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhằm xác định xem bà có "vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn đạo đức" trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hay không.

"Chúng tôi đã thành lập một ủy ban để điều tra cuộc điện đàm bị rò rỉ hồi tháng trước. Hiện vẫn chưa có khung thời gian cụ thể, nhưng bà Paetongtarn có thể phải ra trình diện tòa nếu có bằng chứng về sai phạm đạo đức", đại diện NACC cho biết.

Truyền thông Thái Lan nhận định, quyết định của NACC là một đòn giáng mạnh vào chính quyền đang gặp khó khăn của bà Paetongtarn, người đang giữ chức Bộ trưởng Văn hóa sau khi bị Tòa án Hiến pháp đình chỉ vai trò thủ tướng. Dù có tên là Ủy ban chống tham nhũng, nhưng NACC lại có thẩm quyền rộng rãi trong việc điều tra các cáo buộc sai phạm của quan chức nhà nước.

tbkoreB8Uc3eJ2Z3w1wg.jpg
Bà Paetongtarn Shinawatra bị điều tra về tiêu chuẩn đạo đức. Ảnh: The Nation

Bên cạnh cuộc điều tra của NACC, 36 thượng nghị sĩ Thái Lan cũng gửi đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan nhằm yêu cầu bãi nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa của bà Paetongtarn. Theo các nghị sĩ này, bà Paetongtarn không đủ điều kiện để giữ bất kỳ chức vụ nào trong nội các sau khi bị đình chỉ chức thủ tướng.

Hồi đầu tháng 7, bà Paetongtarn đã cam kết sẽ trình bày rõ ràng với Tòa án Hiến pháp về cuộc gọi với ông Hun Sen, khẳng định mục đích của bà là bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như sự an toàn của các binh sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện Quản lý phát triển quốc gia Thái Lan (Nida Poll), có 42% người được hỏi cho rằng bà Paetongtarn nên từ chức, trong khi ông Prayut Chan-o-cha được coi là ứng viên hàng đầu cho chức vụ thủ tướng với 32,82% tỷ lệ ủng hộ.

Theo Việt Dũng (VietNamNet)