Các quốc gia Đông Nam Á cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển ở Biển Đông, đặc biệt sau phán quyết của PCA.

Các quốc gia Đông Nam Á cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ hệ sinh thái biển ở Biển Đông, đặc biệt sau phán quyết của PCA.

Biển Đông là một trong những khu vực có hệ sinh thái biển đa dạng nhất trên thế giới, bao gồm 76% loài san hô trên thế giới và 37% loài cá sống tại các rạn san hô. Trong hai thập kỷ qua, có những tài liệu cho thấy ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam bằng chất độc xyanua hay thuốc nổ.

Trung Quốc khiến Biển Đông đứng trên bờ vực của thảm họa môi trường - Ảnh 1
Hành động cải tạo bãi đá trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: CSIS).

Những loài sinh vật biển bị ngư dân Trung Quốc săn bắt quá mức bao gồm cả loài rùa biển đang bị đe dọa, trai khổng lồ, sò khổng lồ, cá mập, cá chình và phần lớn các loại san hô để làm cảnh.

Trung Quốc hủy hoại hệ sinh thái Biển Đông

Trong phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông hồi tháng trước, tòa nêu rõ hành động cải tạo đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã "gây tổn hại vĩnh viễn, không thể khắc phục đối với các hệ sinh thái xung quanh rạn san hô".

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phủ nhận phán quyết của PCA, không công nhận hành vi xây đảo nhân tạo trái phép gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong khu vực, thậm chí còn gọi đây là "dự án xanh".

Mặc dù có nghĩa vụ phải tuân thủ các Điều 192 và 194 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển để giữ gìn và bảo vệ môi trường biển nhưng Bắc Kinh lại hỗ trợ những hoạt động làm tổn hại đến hệ sinh thái vốn mong manh ở Biển Đông.

Trong nhiều năm qua, hành động hủy hoại lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông là việc bắt trộm nghêu, gây tổn hại đến khu vực rộng khoảng 103 km2 tại một số rạn san hô sinh học đa dạng nhất thế giới. Những kẻ săn bắt trộm được cho là đã sử dụng cánh quạt lớn gắn vào tàu đa dụng để chặt san hô, lấy vỏ của các cá thể trai khổng lồ để làm đồ trang sức và chế tạo những món đồ đắt tiền.

Không chỉ phá hủy hệ sinh thái của các rạn san hô, vì tính chất liên kết của thủy sản ở Biển Đông, Trung Quốc gây thiệt hại ở một nơi sẽ gây ra hậu quả ở nhiều nơi khác trong khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc luôn nói các hành động ở Biển Đông là vì "lợi ích chúng". Tại Đối thoại Shangri-La hồi đầu năm nay, Đô đốc Sun Jianguo, phó Tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương Trung Quốc, ngang ngược nói rằng Bắc Kinh tiến hành cải tạo đảo và rạn san hô ở Biển Đông vì "trách nhiệm quốc tế, bao gồm cả việc bảo vệ môi trường".

Những tuyên bố như vậy cũng nhằm đánh lạc hướng dư luận, từ việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép cho đến các hành động khác đối với môi trường biển. Theo quy định của luật pháp quốc tế, việc cải tạo đảo cần phải đi kèm với đánh giá về tác động môi trường.

Bằng cách không chấp nhận trách nhiệm về hành động của mình, Trung Quốc đã đẩy vấn đề khắc phục hậu quả cho các quốc gia khác trong khu vực, tác giả Abhijit Singh nhận định.

Hành động của cộng đồng các nước Đông Nam Á

Đối mặt với thảm họa môi trường, các quốc gia Đông Nam Á cần phải có hành động chung, nhằm bảo tồn và bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Một trong những cách chính đó là bảo tồn thủy sản.

Bản báo cáo gần đây cho biết, trữ lượng thủy sản ở Biển Đông đang có chiều hướng suy giảm. Với nạn đánh cá bất hợp pháp, không thông báo và cũng không theo quy định rõ ràng, sự phối hợp chung giữa các quốc gia là yếu tố cần thiết.

Các nước trong khu vực cũng cần minh bạch hơn trong hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên cần phải thúc đẩy những hành động đúng đắn để đảm bảo hệ sinh thái được bảo tồn đúng cách và khai thác một cách bền vững.

Việc hình thành nên một cơ chế bảo tồn môi trường biển có thể nói là thách thức lớn nhất trong kế hoạch này. Hồi tháng 4 năm nay, tại cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương (CSCAP) ở Philippines, các cuộc thảo luận đã tập trung vào việc phát triển quy tắc và giao thức để bảo vệ môi trường biển.

CSCAP nhấn mạnh việc phát triển phương pháp tiếp cận tập thể trong việc quản lý hoạt động thương mại và đời sống ở đại dương. Vấn đề được đặc biệt chú trọng là việc bảo tồn các rạn san hô ở khu vực Đông Á.

Đây không phải lần đầu tiên các quốc gia trong khu vực cùng chung tay hợp tác vì lợi ích của môi trường sống tự nhiên. Năm 2011, khi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) mở thêm văn phòng ở Bangkok (Thái Lan), các nước Đông Nam Á đã cùng hợp tác trong việc phát triển các công cụ và phương pháp dựa trên hệ sinh thái, tiếp cận đến việc quản lý rạn san hô.

Năm 2012, khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuất hiện trong chủ đề " The Future We Want" của Liên Hợp Quốc, đề cập đến việc bảo vệ rạn san hô như một trong những mục tiêu trọng tâm và phát triển bền vững hướng đến năm 2020. Mặc dù LHQ đã kêu gọi "bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương" và "loại bỏ áp lực con người lên các rạn san hô" nhưng các biện pháp trên thực tế đã ít đem lại thành công hơn đối với việc bảo vệ hệ sinh thái biển.

Dù vậy, UNEP đã trở thành kim chỉ nam trong việc quản lý hệ sinh thái của khu vực. Chương trình đã tập trung vào nỗ lực ngăn chặn rác thải trên biển; xây dựng khả năng phục hồi rạn san hô trong bối cảnh biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương; tăng cường dữ liệu và thông tin về quy hoạch, quản lý rạn san hô...

Trong khi thế giới hướng sự chú ý đến tranh chấp Biển Đông, vẫn còn câu hỏi cấp bách khác về môi trường biển. Các nguồn tài nguyên biển ở Biển Đông là trung tâm của kinh tế quốc gia, nguồn sinh kế cho cư dân ven biển và quan trọng là nguồn thực phẩm rẻ và bổ dưỡng.

Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải ưu tiên cùng hợp tác với nhau trong việc quản lý nguồn tài nguyên biển, kết hợp hiệu quả nỗ lực hồi sinh và khôi phục hệ sinh thái biển quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác giả Abhijit Singh kết luận.

Theo Đăng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)