Trung Quốc hiện đang bán rất chạy các loại máy bay chiến đấu ở thị trường ngoài nước. Và trong 10 năm tới Trung Quốc sẽ cạnh tranh khốc liệt với Nga ở lĩnh vực tên lửa hành trình.
Trung Quốc hiện đang bán rất chạy các loại máy bay chiến đấu ở thị trường ngoài nước. Và trong 10 năm tới Trung Quốc sẽ cạnh tranh khốc liệt với Nga ở lĩnh vực tên lửa hành trình.
Tin tức từ trang Want China Times cho hay, Phó Giáo sư Robert Farley, ĐH Kentucky, Mỹ vừa đưa ra nhận định trên tạp chí National Interest, có trụ sở tại Washington rằng Trung Quốc sẽ chiếm vị trí của Nga trên thị trường vũ khí thế giới trong vòng 10 năm tới.
 

Tổ hợp tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của Trung QUốc này đã thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng nước ngoài.

 
Trong bài viết của mình, ông Farley cho rằng Trung Quốc đang bán rất chạy các máy bay chiến đấu FC-1/JF-17 ở các thị trường ngoài nước. Bắc Kinh cũng phát triển mạnh dạng máy bay chiến đấu tàng hình J-31 cho xuất khẩu.
 
Ông Farley nói thêm rằng dù Nga đang kiếm bộn tiền từ việc bán máy bay Flankers cho các nước Đông Nam Á, nhưng tương lai việc xuất khẩu vũ khí của nước này sẽ chẳng mấy sáng sủa khi mà hiện tại nước này mới chỉ đang phát triển mới mỗi loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, PAK-FA.
 
Về lĩnh vực tàu ngầm, theo ông Farley, phải thừa nhận rằng Trung Quốc không bao giờ có thể tự đóng được những tàu ngầm hiện đại nếu không có sự chuyển giao những tàu lớp Kilo của Nga trong những năm 90 đến những năm 2000.
 
Tuy nhiên, ông Farley cho rằng hiện tại tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn có thể sánh ngang tầm với tàu ngầm Nga. "Nga vẫn nắm giữ ưu thế kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này nhưng khoảng cách đã thu hẹp khi Trung Quốc tăng cường sản xuất, bán tàu thủy," ông Farley cho biết.
 
Với hệ thống phòng không, ông Farley tin rằng Trung Quốc sẽ đuổi kịp Nga. "Nga có lẽ nhận ra rằng hiện tại Bắc Kinh đã tiến bộ rất nhiều trong công nghệ phòng không nên đã từ chối chuyển giao công nghệ, dẫu vậy điều này vẫn không bảo toàn được vị thế của Nga trong lĩnh vực này", ông Farley cho biết.
 
Nga vẫn có triển vọng bán hệ thống phòng không tiến bộ cho các nước gần Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, tuy nhiên khoảng cách công nghệ trong lĩnh vực này thu hẹp dần khi Trung Quốc đang tiến gần Nga nhanh chóng.
 
Phó giáo sư cũng cho rằng Nga sẽ giữ được vị trí độc tôn trong hai lĩnh vực, đó là xe tăng và tên lửa hành trình. Chuyên gia này cho rằng sở dĩ những người Nga chế tạo ra xe tăng Armata đã làm cho sản phẩm này trở nên nổi tiếng vì họ không bán xe cho Trung Quốc. Bởi vì điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể bắt chước được công nghệ và cạnh tranh với Nga.
 
Kể từ khi Ấn Độ ngừng sản xuất dòng xe tăng chiến đấu chủ lực Arjun, xe tăng Nga lại có thêm thị trường mới vì khách hàng không thể mua được sản phẩm tin cậy từ Trung Quốc.
 

Tàu ngầm Kilo Nga bán cho Ấn Độ (minh họa)

 
Vì những mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong thời gian gần đây, nên nhiều khách hàng tiềm năng ở Đông Nam Á không muốn mua tên lửa hành trình từ Bắc Kinh. "Nga có thể thu lời từ việc bán tên lửa hành trình cho các nước có thể được xem là đối tượng kình địch của Bắc Kinh”, ông Farley cho biết. Tuy nhiên, ông cho biết thêm Trung Quốc và Nga sẽ cạnh tranh nhau gay cấn trong các thị trường tên lửa hành trình ở châu Phí và Mỹ la tinh trong hơn 10 năm tới.
 
Bàn về sự phát triển của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, tạp chí National Interest nhận định, hiện tại công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ và các nhà cung cấp của Nga. Vũ khí Trung Quốc phần lớn đều cần phụ tùng Nga, và công nghiệp quốc phòng Bắc Kinh vẫn sẽ cần được Nga cố vấn. Hiện Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xem xét đặt hàng các thế hệ vũ khí tối tân nhất của Nga, bao gồm cả loại máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không mới nhất.
 
Tuy nhiên, tạp chí Mỹ cho rằng trong thập niên tiếp theo, chúng ta có thể nhìn thấy công nghiệp quốc phòng Trung Quốc sẽ rũ bỏ phần lớn những sự lệ thuộc của họ. Công nghệ động cơ của Bắc Kinh đang được hoàn thiện, trong khi tỷ lệ nội địa hoá các linh kiện điện tử trong sản xuất vũ khí cũng đang tăng dần đều.
 
Nga hẳn cũng cảm thấy họ nhiều khả năng sẽ mất đi lợi thế về công nghệ quốc phòng trước người láng giềng, do đó sẽ xem xét lại chiến lược chuyển giao công nghệ của mình.
 
Mối quan hệ Nga - Trung trong sản xuất quốc phòng vốn là một sự hợp tác truyền thống nhưng cũng nhiều biến cố, từng bị thử thách bởi những tranh cãi chính trị và cách mạng công nghệ. Nhưng có lẽ trong thập niên tới, chúng ta có thể sẽ được Trung Quốc bước ra khỏi cái bóng của công nghệ Nga, vươn mình trở thành một thế lực trong ngành công nghiệp vũ khí, National Interest viết.
 
Theo Thanh Ngọc (Nguoiduatin.vn)