Xã hội
01/07/2025 13:37Chính thức có đường bay 'nội thành' đầu tiên tại Việt Nam

Sự thay đổi này diễn ra sau khi TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập, đưa cả sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo về cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Điều này biến đường bay Tân Sơn Nhất - Côn Đảo trở thành tuyến bay trong cùng một thành phố duy nhất tại Việt Nam.
Hiện tại, hai hãng hàng không Vietnam Airlines (thông qua VASCO) và Vietjet đang khai thác đường bay này. Giá vé khứ hồi dao động từ 1,5 triệu đến hơn 3,4 triệu đồng, và vào mùa cao điểm, các chuyến bay thường xuyên "cháy" vé.

Trong số 34 tỉnh, thành sau sáp nhập, có 5 địa phương sở hữu 2 sân bay thương mại, bao gồm:
- TP.HCM: Sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo
- Đà Nẵng: Sân bay Đà Nẵng và Chu Lai
- Gia Lai: Sân bay Phù Cát và Pleiku
- Đắk Lắk: Sân bay Buôn Ma Thuột và Tuy Hòa
- An Giang: Sân bay Phú Quốc và Rạch Giá
Tuy nhiên, chỉ riêng TP.HCM mới có đường bay nội tỉnh, các địa phương còn lại chỉ khai thác tuyến bay đi tỉnh khác hoặc kết nối vùng, liên vùng, quốc tế.
Trên thế giới, các "siêu đô thị" như London (6 sân bay) hay New York (6 sân bay) cũng sở hữu nhiều sân bay thương mại. Tại châu Á, Tokyo (Haneda, Narita, Ibaraki) và Bangkok (Suvarnabhumi, Don Mueang) cũng có hệ thống sân bay dày đặc. Mặc dù vậy, các đô thị này gần như không khai thác tuyến bay thương mại nội đô giữa các sân bay cùng thành phố, bởi các sân bay thường có chức năng và hệ thống quản lý riêng biệt.
Với "siêu đô thị" TP.HCM mới, đặc khu Côn Đảo có diện tích 75,79 km2 và dân số hơn 6.500 người, cách phường Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo hiện được kết nối với đất liền chủ yếu bằng đường hàng không (từ Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ) và đường thủy (tàu cao tốc từ TP.HCM, Cần Thơ với thời gian di chuyển 2,5-5 giờ).
Việc có một đường bay "nội thành" như Tân Sơn Nhất - Côn Đảo không chỉ là một điểm nhấn độc đáo mà còn mở ra những tiềm năng mới cho phát triển giao thông và du lịch của TP.HCM.
PN (SHTT)