Thông tin lực lượng CSGT đang hướng tới một kỷ nguyên mới với việc tối ưu hóa công nghệ, giảm dần sự hiện diện của con người trên đường nhận được nhiều sự quan tâm và góc nhìn đa chiều.

Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT, mới đây cho biết Cục CSGT đang hướng tới một kỷ nguyên mới với việc tối ưu hóa công nghệ, giảm dần sự hiện diện của con người trên đường. Vi phạm được phát hiện qua hệ thống giám sát và báo tới người vi phạm không quá 2 tiếng.

Thông tin này lập tức thu hút sự quan tâm và góc nhìn đa chiều từ bạn đọc.

Đa số người dân ủng hộ chủ trương tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo AI trong giám sát, xử phạt vi phạm thay vì phụ thuộc chủ yếu vào con người như trước đây.

Độc giả Mạnh Khang nhìn nhận: "Rất hoan nghênh động thái này của ngành CSGT. Công nghệ đang biến đổi từng ngày, chúng ta cũng không thể đứng ngoài xu hướng. Tăng cường ứng dụng công nghệ cũng giảm bớt những vất vả, rủi ro mà lực lượng CSGT phải đối mặt trên đường".

Bạn đọc Ý Nhi thì cho rằng, hệ thống giám sát hiện đại, phản hồi nhanh, khách quan, đầy đủ bằng chứng sẽ khiến người vi phạm phải "tâm phục khẩu phục" và ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành luật khi ra đường. Nhờ đó, an toàn giao thông cũng được đảm bảo hơn trước.

Bạn đọc Sơn Ngọc đánh giá, việc tăng hình thức phạt nguội là rất văn minh, hạn chế tiêu cực, nhưng cũng đặt vấn đề: "Trong điều kiện ý thức tham gia giao thông còn thấp thì CSGT vẫn cần có mặt để xử lý tình huống bất ngờ”.

Nhiều ý kiến độc giả bày tỏ sự tin tưởng, nếu làm bài bản, công nghệ sẽ giúp Việt Nam thay đổi bộ mặt giao thông theo hướng minh bạch, công bằng hơn.

Bạn đọc Trường Bình viết: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới thì phải có cách nghĩ mới, cách làm mới. Tôi ủng hộ Cục CSGT mạnh dạn thay đổi.”

Bạn Phạm Bình Phương chia sẻ kỷ niệm hơn chục năm trước khi đi du lịch Đà Nẵng, mấy ngày không thấy CSGT nào mà đường phố vẫn thông thoáng, các chủ phương tiện rất tuân thủ luật. Bạn đọc này bày tỏ mong muốn những hình ảnh giao thông trật tự như vậy sẽ sớm trở nên phổ biến ở các đô thị lớn.

ảnh csgt.jpg
Giảm CSGT hiện diện trên đường, tăng cường ứng dụng được cho là xu thế cần thiết. Ảnh minh họa: Đình Hiếu. 

Tuy nhiên, cũng có không ít băn khoăn được đặt ra. Bạn đọc NtphuyGiang cho rằng việc áp dụng công nghệ là xu hướng tất yếu nhưng sẽ đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, từ lắp đặt camera, đường truyền, lưu trữ dữ liệu đến quản lý, vận hành ổn định. Nếu không có ngân sách duy trì lâu dài, hệ thống dễ rơi vào nguy cơ xuống cấp, thiếu đồng bộ.

Vấn đề quản lý thông tin chủ phương tiện cũng là một khía cạnh được quan tâm. Độc giả Phạm Khoa cho rằng camera có giám sát tốt đến đâu nhưng nếu không quản lý chặt thông tin xe thì cũng khó xử lý dứt điểm. Theo anh, cần buộc chủ xe cung cấp số điện thoại, email, địa chỉ rõ ràng, tránh tình trạng mua bán trao tay, sang tên không đầy đủ như hiện nay.

Một số bạn đọc khác lại lo ngại việc báo vi phạm trong 2 tiếng sẽ khó khả thi với xe máy, vốn chiếm đa số phương tiện tại Việt Nam. Độc giả Đỗ Thiện nhấn mạnh: “Trước giờ xe máy mua bán trao tay nhiều, giấy tờ không cập nhật, chưa rõ CSGT làm thế nào lấy được số điện thoại chính xác để báo phạt nguội?”. 

w hieu6542jpg 56829.jpg
Mọi hành vi vi phạm sẽ được camera giám sát ghi nhận. Ảnh: Đình Hiếu.

Nhìn chung, chủ trương giảm sự hiện diện của CSGT trên đường, tăng cường giải pháp công nghệ nhận được sự đồng tình của đa số bạn đọc. Tuy nhiên, để quá trình này phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần lộ trình phù hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu và nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông.

Chiều 15/7, Công an TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” – một sáng kiến đột phá nhằm nâng cao năng lực số cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ.

Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh: Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Với tinh thần đó, Công an TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, điều hành và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Một trong những minh chứng rõ nét là hệ thống camera tích hợp AI hiện đại đã được lắp đặt trên địa bàn TP Hà Nội.

“Hệ thống này có khả năng quay quét 360 độ, nhận diện đối tượng từ khoảng cách 500–700m, hoạt động ổn định trong mọi điều kiện thời tiết và môi trường.

Đặc biệt, hệ thống nêu trên có thể tự động điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực, tạo hiệu ứng 'làn sóng xanh' giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, góp phần giảm thiểu ùn tắc. Nhờ đó, hạn chế thấp nhất việc CSGT phải trực tiếp chỉ huy giao thông”, Trung tướng Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Theo Y Nhụy (VietNamNet)