Xã hội
28/10/2015 07:06Đề xuất dành nửa ngày để Thủ tướng trả lời chất vấn
Hiện các đại biểu đăng ký phát biểu và Chủ toạ sẽ mời lần lượt theo thứ tự, theo bà Tâm như vậy không thoả mãn yêu cầu của đại biểu cũng như chưa góp phần nâng cao chất lượng thảo luận. Nữ đại biểu TP HCM cho rằng vấn đề quan trọng là phải có tranh luận, vì vậy đề nghị thiết kế trong nội quy 2 nội dung, một là giữ nguyên việc đăng ký phát biểu, nhưng bên cạnh đó cần dành 1/3 tổng thời gian thảo luận chung chỉ để tranh luận.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Giang Huy |
Thời gian dành cho việc trả lời chất vấn của Thủ tướng hiện nay theo bà Quyết Tâm cũng chưa thoả đáng vì người đứng đầu Chính phủ chỉ trả lời 2-3 câu hỏi của đại biểu là đã hết thời gian.
"Đại biểu rất quan tâm tới trả lời của Thủ tướng nhưng không có thời gian. Tôi đề nghị mỗi phiên chất vấn cả kỳ họp giữa năm và cuối năm phải dành thời gian trọn một buổi cho chất vấn và Thủ tướng trả lời. Như vậy Thủ tướng mới có thể trả lời nhiều vấn đề thấu đáo, thoả đáng hơn", bà Tâm đề nghị.
Đại biểu Bùi Thị An cũng đồng tình việc tăng thời gian truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi được hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là các phiên thảo luận ở nghị trường. Từ đó, cử tri có thể đánh giá những người đại diện của mình có hoàn thành nhiệm vụ hay không.
"Theo tôi không nên duy trì chất vấn theo lựa chọn, chỉ định các Bộ trưởng nữa mà có thể chất vấn tư lệnh ngành ở tất cả các lĩnh vực. Thường vụ nghiên cứu cho đọc hết các câu chất vấn để các ngành trả lời vì như hiện nay chỉ một số đại biểu được hỏi, người trả lời cũng vòng vo mất thời gian", đại biểu An đề xuất.
Đại biểu Võ Thị Dung thì cho rằng cần quy định trong Nghị quyết rằng đại biểu hỏi gì thì người được hỏi phải trả lời đúng yêu cầu. Nếu không, đại biểu được quyền hỏi lại vì hiện nay chỉ có 2 phút để hỏi còn tư lệnh các ngành thì trả lời triền miên, không đi vào nội dung chính.
Đồng tình kiến nghị kéo dài thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Đặng Thành Tâm kiến nghị, cần học hỏi kinh nghiệm từ Quốc hội các nước. Những chủ đề nóng, cần tranh luận thì các tiểu ban xây dựng chương trình cho đại biểu tranh luận, chất vấn đến nơi đến chốn. Thực tế, không phải buổi họp toàn thể, hay luật nào tất cả đại biểu đều có sự quan tâm giống nhau. Bởi vậy, Quốc hội cần có các ban tập hợp những nội dung đại biểu có sự quan tâm chung để trao đổi kỹ hơn.