Xã hội
11/12/2016 19:39Người dân cần cân nhắc trong việc truy đuổi xe gây tai nạn giao thông bỏ chạy
![]() |
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip dài gần 9 phút, ghi cảnh chiếc ôtô mang biển số xanh 80B 35.., có gắn hộp đèn hiệu ưu tiên, phóng với tốc độ cao theo hướng đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) lên hướng đường Nguyễn Lương Bằng - Ô Chợ Dừa.
Clip cho thấy nhiều người đi đường liên tục yêu cầu chiếc xe hiệu Ford Mondeo dừng lại, vì cho rằng tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy. Bất chấp đường phố đông đúc và tiếng yêu cầu dừng xe, tài xế vẫn đạp ga tăng tốc qua nhiều giao lộ có đèn đỏ và xảy ra va chạm với nhiều người đi đường.
Phải đến đoạn đường Ô Chợ Dừa, nhóm thanh niên kia mới ép xe biển xanh dừng lại và kéo tài xế ra ngoài xử lý. Khi bị lôi ra khỏi xe, người tài xế ở tuổi trung niên có dấu hiệu say rượu và gần như không kiểm soát được hành vi của mình. Bên cạnh đó, trong quá trình bỏ chạy, chiếc xe còn tiếp tục gây thêm nhiều vụ va chạm khác. Sau khi đưa về cơ quan công an, lái xe được làm rõ là Đinh Văn Hùng (SN 1958, Hùng là lái xe của Ban kinh tế Trung ương).
Sau vụ việc này, nhiều người đặt câu hỏi khi gặp trường hợp vi phạm giao thông như vậy người dân có nên truy đuổi hay không? Về việc này, trao đổi với Lao Động, luật sư Trần Thu Nam (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, khi nhìn thấy xe gây tai nạn giao thông, người dân có chặn chiếc xe đó lại, nếu trường hợp xe đó bỏ chạy thì cần ghi lại biển số xe và báo ngay cho cơ quan chức năng chứ không nên truy đuổi.
Theo luật sư Nam, hiện không có quy định nào người dân được truy đuổi người vi phạm giao thông. Tuy nhiên, theo luật hình sự có một điều về việc bắt giữ tội phạm, khi phát hiện tội phạm thì bất cứ ai cũng có quyền bắt giữ. Nhưng mức độ đến đâu để bắt giữ và truy đuổi thì là một vấn đề.
“Nếu người dân truy đuổi thì sẽ vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ, vi phạm về biển báo, tốc độ… Trường hợp truy đuổi mà xảy ra tai nạn thì đều phải chịu xử lý hành chính hoặc hình sự”, luật sư Nam cho biết thêm.
Cũng theo luật sư Nam, khi gặp phải những trường hợp gây tai nạn xét về tình thì cần phải cân nhắc trong việc truy đuổi. Còn về lý không có quy định nào truy đuổi như vậy. Việc truy đuổi này chỉ có trách nhiệm của người thực thi pháp luật.
Cũng có những trường hợp, khi lái xe gây tai nạn bỏ chạy mà người dân truy đuổi khiến người này mất bình tĩnh, áp lực và bị tác động nên có thể gây ra những tai nạn tiếp theo. Chính vì vậy, người truy đuổi đó có thể bị coi là người gián tiếp gây ra hậu quả. Như vậy, có thể nói việc truy đuổi đó phần nào sẽ phản tác dụng, luật sư Nam cho hay.
Trong khi đó, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, Cảnh sát được lệnh kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, chống đối người thực thi công vụ. Tuy vậy, việc truy đuổi người vi phạm bị nghiêm cấm, trừ các trường hợp có dấu hiệu tội phạm hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản người tham gia giao thông khác.
Theo Cao Nguyên (Lao Động)