Xã hội
12/06/2025 06:52Sáng nay, Quốc hội bấm nút thông qua một quyết định lịch sử
Theo nội dung của Nghị quyết, 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện có sẽ được sắp xếp lại để hình thành 23 tỉnh, thành phố mới. Điều này sẽ đưa tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh của Việt Nam từ 63 xuống còn 34, bao gồm 6 thành phố trực thuộc Trung ương và 28 tỉnh. Đây là con số ít nhất trong gần nửa thế kỷ qua.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhiều lần nhấn mạnh, giai đoạn này là "thời khắc lịch sử, cách mạng" khi Quốc hội quyết định vấn đề mang tính bước ngoặt với nền hành chính, quản trị quốc gia. Bà cho biết, Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, bài bản với việc sắp xếp này. Quá trình sáp nhập không chỉ đơn thuần dựa trên yếu tố liền kề mà còn được cân nhắc đa chiều, từ diện tích tự nhiên, quy mô dân số đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tầm nhìn phát triển, và đặc biệt là hướng ra biển lớn để hình thành các trung tâm kinh tế lớn.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định đây là một cuộc cách mạng về bộ máy, tổ chức và nhân sự. Mục tiêu chính là giảm một cấp trung gian, tối ưu hóa bộ máy, tạo ra không gian kinh tế đủ mạnh, có sự kết hợp thế mạnh giữa các vùng miền. Từ ngày 1/7 tới, cả hệ thống chính trị sẽ quyết tâm đưa vào vận hành mô hình chính quyền hai cấp mới ở địa phương. Đặc biệt, các địa phương đã nỗ lực chuẩn bị cho việc sắp xếp, sáp nhập và triển khai các yêu cầu để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền chưa có tiền lệ này.
Sau khi Nghị quyết được thông qua, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, người lao động. Tất cả các vấn đề phát sinh sau sáp nhập liên quan đến trụ sở, chế độ chính sách, bố trí con người đều đã được Chính phủ nắm bắt và sẽ tập trung giải quyết hoặc hướng dẫn các địa phương thực hiện theo hướng ưu tiên.
Chỉ có 11 tỉnh, thành phố giữ nguyên hiện trạng trong đợt sắp xếp này, bao gồm 10 địa phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn (Hà Nội, TP Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) và tỉnh Cao Bằng với yếu tố đặc thù.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh lần này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
PN (SHTT)