Xã hội
27/07/2021 14:31Thêm 5 tỉnh giới hạn thời gian ra đường, người dân không rời khỏi nhà sau 18h
Trong những ngày qua, trước tình hình dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phía Nam đã thực hiện "quyết liệt" hơn nữa các biện pháp để ngăn chặn, lây lan của dịch bệnh.
Ngoài việc siết chặt, tăng cường các biện pháp theo Chỉ thị 16, ngày 25/6 vừa qua, TP.HCM tiếp tục tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường. Cụ thể, UBND TP.HCM quyết định, sau 18h người dân tuyệt đối không ra đường, trừ những trường hợp được quy định.
Việc áp dụng biện pháp này được thực hiện từ 18h ngày 26/7.
Ngay sau TP.HCM, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu là những địa phương cũng đã tiến hành áp dụng biện pháp này.
Cụ thể, ngày 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã ký quyết định tăng cường triển khai các quyết định phòng, chống dịch Covid-19.
Kể từ ngày 27/7 đến hết ngày 1/8, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu người dân không ra đường trong khung thời gian từ 18h đến 5h sáng hôm sau, trừ trường hợp cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch và các trường hợp cấp thiết khác theo tình hình thực tế ở địa phương.
Người dân đi chợ, mua hàng thiết yếu phải đảm bảo giãn cách, theo khung thời gian của phiếu mua hàng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền và không vi thời gian quy định nêu trên.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng công an, quân sự, đoàn thể địa phương lập chốt chặn các tuyến đường cần thiết, các đường mòn, lối mở để đảm bảo duy trì giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 16.
Từ ngày 19/7, tỉnh Vĩnh Long đã giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Đến sáng 27/7, địa phương này ghi nhận thêm 16 ca dương tính với SARS-CoV-2, đều là F1 liên quan chuỗi lây nhiễm Công ty TNHH Tỷ Xuân. Tổng số ca nhiễm nCoV ở Vĩnh Long ghi nhận từ ngày 9 đến 27/7 là 636 ca cộng đồng và 16 ca chờ Bộ Y tế cấp mã số bệnh nhân.
Ngày 27/7, UBND tỉnh Bến Tre có công văn về việc quy định khung giờ của một số hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre quy định, khung giờ người dân không được ra đường (trừ trường hợp cấp cứu, đi mua thuốc trị bệnh, thi hành công vụ, chuyên chở hàng hóa thiết yếu… và các vấn đề cấp thiết khác) là từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau.
Khung giờ đi chợ từ 6h - 10h và từ 14h - 17h hàng ngày. Các quy định trên được áp dụng toàn tỉnh, bắt đầu từ 6h ngày 28/7.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể triển khai đi mua hàng hóa thiết yếu, thực phẩm giúp người dân để hạn chế tối đa việc đi lại.
Tại Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, đã chỉ đạo các địa phương áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra đường từ sau 18h, kể từ ngày 27/7.
Trong khung giờ từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau, người dân không ra đường, trừ cấp cứu và các công việc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang, đến ngày 26/7, tỉnh có 120 ổ dịch, với 1.988 ca nhiễm COVID-19, có 168 ca đã được điều trị khỏi.
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản quy định thời gia ra đường. Cụ thể, từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau, người dân không ra đường, trừ trường hợp cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch…
Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu hạn chế tối người dân ra đường ban đêm (từ 18h đến 5h sáng).
Tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), UBND TP tuy chưa hạn chế người ra đường từ sau 18h nhưng đã có văn bản đề nghị các cơ sở kinh doanh cửa hàng tiện ích, các cửa hàng Vinmart+, Bách Hoá Xanh, siêu thị Vincom Plaza, Coopmart… trên địa bàn không mở cửa kinh doanh, mua bán, phục vụ khách hàng sau 18h từ ngày 26/7 cho đến khi có văn bản khác của thành phố.
HL (Nguoiduatin.vn)