Đời sống
05/07/2025 10:38Ca cấp cứu đặc biệt cho nam du khách người nước ngoài bất tỉnh trên đường do ngộ độc bóng cười
Ngày 4/7, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận một ca bệnh ngoại quốc trong tình trạng nguy kịch. Theo đó, một người đàn ông quốc tịch Hàn Quốc, (44 tuổi) được phát hiện bất tỉnh trên đường phố trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Người bệnh không có giấy tờ tùy thân, không người đi cùng, và có nhiều vết xây xát trên cơ thể.
Ngay lập tức, quy trình tiếp nhận khẩn cấp được kích hoạt. Ít ai ngờ rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này lại là hệ quả của việc sử dụng "bóng cười" – một loại khí gây cười tưởng chừng vô hại, nhưng trong thực tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trường hợp lâm sàng đặc biệt này không chỉ phơi bày những tác động tức thì của chất gây ảo giác lên hệ thần kinh trung ương, mà còn đặt ra nhiều vấn đề xã hội và y tế công cộng, từ sự thiếu kiểm soát thị trường khí N₂O cho đến trách nhiệm của cộng đồng y tế trong cảnh báo và phòng ngừa.

Tiếp nhận và can thiệp y khoa trong điều kiện thông tin hạn chế
Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh trong tình trạng rối loạn tri giác sâu (GCS giảm), bệnh viện đã khẩn trương phối hợp cùng Trung tâm Cấp cứu 115 và Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam để xác minh danh tính và liên hệ với thân nhân.
Người bệnh có các biểu hiện thần kinh cấp tính: mất định hướng không gian, thời gian, la hét kích động, vận động vô thức, và có nguy cơ gây hại cho bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó người bệnh còn có biểu hiện tổn thương thận cấp.
Đứng trước một ca bệnh khó khi mà các y bác sĩ không thể khai thác bất cứ một dấu hiệu gì về tiền sử, bệnh sử của người bệnh trước khi nhập viện, người bệnh trong trạng thái rối loạn tri giác, bất đồng về ngôn ngữ. Hội chẩn toàn viện với sự tham gia của nhiều chuyên khoa, dựa trên các chỉ số sinh hóa cho thấy có hiện tượng toan chuyển hóa nhẹ, chức năng thận suy giảm thoáng qua, kết quả xét nghiệm và hình ảnh học cho phép loại trừ các nguyên nhân do nhiễm trùng thần kinh trung ương, rối loạn chuyển hóa, chấn thương sọ não và đột quỵ.
Cùng với lời khai gián tiếp từ nhân viên Đại sứ quán Hàn Quốc, kết hợp với các yếu tố nguy cơ từ môi trường giải trí không kiểm soát, người bệnh được chẩn đoán là ngộ độc khí N₂O – bóng cười.
Sau 13 ngày điều trị nội trú, bao gồm kiểm soát hành vi, truyền dịch và theo dõi sát, chức năng thận của bệnh nhân phục hồi tốt, tri giác cải thiện dần, sinh hiệu ổn định hơn. Đây là kết quả đáng ghi nhận của một hệ thống y tế đa chuyên khoa phối hợp chặt chẽ, đặc biệt trong bối cảnh người bệnh không có dữ liệu y tế ban đầu khi nhập viện.
Bản chất hóa học và tác động sinh lý bệnh của khí N₂O
"Bóng cười" là tên gọi dân gian của khí Nitrous Oxide (N₂O), một loại khí không màu, có mùi ngọt nhẹ, được sử dụng hợp pháp trong nha khoa và sản khoa như một chất gây mê nhẹ. Tuy nhiên, khi được sử dụng với mục đích giải trí, N₂O trở thành một chất gây ảo giác cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt khi được hít trực tiếp với liều cao hoặc trong không gian kín.
Về mặt cơ chế, khí N₂O làm bất hoạt enzym methionine synthase, gây ức chế tổng hợp DNA và ảnh hưởng đến quá trình tạo myelin trong thần kinh ngoại biên và trung ương. Kết quả là người sử dụng có thể xuất hiện các triệu chứng thần kinh như dị cảm, yếu chi, mất thăng bằng, suy giảm trí nhớ, thậm chí thoái hóa tủy sau bên trên MRI.
Cơ chế gây độc tính thần kinh của "khí cười"
Ngoài ra, khí N₂O còn có thể gây:
+ Rối loạn tâm thần cấp tính: Ảo thanh, hoang tưởng, trạng thái kích động hoặc mê sảng.
+ Suy hô hấp và ngưng tim: Do thay thế oxy trong phế nang hoặc do ức chế trung tâm hô hấp khi dùng liều cao.
+ Rối loạn nhịp tim: Tăng nguy cơ đột tử khi kết hợp với các chất kích thích khác như rượu, cocaine, ketamine….
+ Tác động lên hệ tạo máu: Thiếu máu đại bào không tái sinh do ức chế hấp thu vitamin B12.
Mối nguy hiểm trong cộng đồng
Mặc dù đã bị cảnh báo bởi nhiều tổ chức y tế trên thế giới, khí N₂O vẫn dễ dàng tiếp cận tại nhiều thành phố lớn, dưới hình thức các bình khí mini được bán trực tiếp hoặc kèm theo dịch vụ giải trí tại các tụ điểm ban đêm. Việc sử dụng khí này không được liệt kê là vi phạm pháp luật trong nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, càng khiến việc kiểm soát và giáo dục phòng ngừa gặp khó khăn.
Các ca bệnh được ghi nhận tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhân dân 115, Chợ Rẫy hay Bạch Mai đang gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp. Đặc biệt đáng báo động là sự gia tăng tỷ lệ người nước ngoài – khách du lịch, người lao động, sinh viên, học sinh trở thành nạn nhân do thiếu hiểu biết và chủ quan về hậu quả sức khỏe.
Trường hợp người bệnh Hàn Quốc nhập viện trong trạng thái nguy kịch do ngộ độc khí N₂O là một minh chứng rõ ràng về tính chất nguy hiểm của các chất gây ảo giác được sử dụng ngoài cộng đồng một cách không kiểm soát. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, sự hỗ trợ chuyên môn đa ngành, và sự phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức y tế và cơ quan ngoại giao, hậu quả để lại có thể là tổn thương thần kinh vĩnh viễn, hoặc thậm chí tử vong.
Các bác sĩ cho rằng, các cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc lưu hành khí N₂O, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí.
Các tổ chức y tế, trường học và phương tiện truyền thông triển khai chiến dịch giáo dục về hậu quả của việc sử dụng "bóng cười".
Cộng đồng chung tay phát hiện, báo cáo và can thiệp sớm với các hành vi có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.