Những lời suy đoán vô căn cứ về lòng tham, về hoàn cảnh thiếu thốn, đói khát của những người đến xin lộc đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của nghi lễ thí thực cô hồn.
 

Những lời suy đoán vô căn cứ về lòng tham, về hoàn cảnh thiếu thốn, đói khát của những người đến xin lộc đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của nghi lễ thí thực cô hồn.

Mấy hôm nay, đoạn clip ghi lại cảnh cô chú “tranh cướp đồ cúng” ở một ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Hà Thành được rất nhiều người chia sẻ, phản hồi trên mạng xã hội, đương nhiên là không mang tính xây dựng, đóng góp.

   'Giật cô hồn' mà, bắt xếp hàng sao được? - Ảnh 1

Người dân lấy đồ cúng chúng sinh trong chùa Quán Sứ. Ảnh cắt từ clip.

Nhân “cơ hội” này, một số người còn đăng tải lại các bài báo, chùm ảnh với mục đích phê phán tục cúng cô hồn ở các địa phương. Có những bạn tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã mạnh miệng quy chụp rằng các cô, các chú “ít học” nên mới có hành động như vậy.

Giờ cháu viết lá thư này với mong muốn “giải oan” cho tất cả những ai từng “cướp lộc” và để tránh cứ mỗi độ tháng “cô hồn” về, người ta lại phải hao tổn mồ hôi và… nước miếng vì tranh cãi, thương hại chúng cháu - những mâm cúng rằm tháng 7.

Trước tiên, cháu xin khẳng định ngay: Lòng tự trọng, nhân phẩm, thể diện và cả sự nghèo đói không thể gây ảnh hưởng đến quyết định “lấy” hay không “lấy” lộc ở chùa. Cháu dùng từ “lấy” thay cho từ “cướp” vì đồ cúng chúng sinh vốn dành cho tất cả “chúng sinh”, tức là tất cả người dân tham dự buổi lễ đều được thụ lộc đem về. Hơn nữa, việc thụ lộc chỉ diễn ra sau khi các nhà sư làm lễ xong, không ai dám tranh giành lễ cúng nếu chưa được cho phép.

   'Giật cô hồn' mà, bắt xếp hàng sao được? - Ảnh 2

Những đứa trẻ chờ được "giật cô hồn". Ảnh: Internet.

Về tranh cãi liên quan đến giá trị của đồ cúng, người bình thường biết suy nghĩ sẽ không “quy đổi” các đồ cúng ngang giá với đĩa xôi, cân quả… bày bán đầy ngoài chợ. Những lời suy đoán vô căn cứ về lòng tham, về hoàn cảnh thiếu thốn, đói khát của những người đến xin lộc đã làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của nghi lễ thí thực cô hồn. Họ đâu sống chung, ở cùng mà dám lên án cô chú lên chùa nhưng bỏ bê bàn thờ gia tiên, thờ ơ trước sự khó khăn của người khác ?

Về tục cúng cô hồn ở một số địa phương, đôi khi các chủ nhà làm lễ cúng còn phải mời người đến "giật cô hồn” vì sợ mất đi tính linh thiêng. Không có chuyện người “cướp đồ cúng” bị thất thoát tài lộc, may mắn.

Trên thực tế, có những chuyện rất đỗi bình thường nhưng khi được ghi hình lại thì trở nên xấu xí, nhem nhuốc, kệch cỡm, rởm đời...

Thế nên, các cô chú cứ “giật cô hồn” theo tín ngưỡng cổ truyền, nhưng nhớ để ý đến những chiếc ống kính vô duyên. Nếu chúng xuất hiện chung quanh cô chú, hãy dịu dàng khuyên bảo hoặc yêu cầu người sở hữu cất chúng đi.

Đừng vì 1001 bức ảnh chụp lén gây xôn xao dư luận trước đó mà tức tối quát mắng, làm căng với họ. Vì người văn minh luôn cư xử lịch thiệp với những người kém văn minh hơn, cô chú nhỉ?

Ký tên

Mâm cúng nhỏ

Theo PV (Nguoiduatin.vn)