Đời sống
08/07/2025 13:58Không đổi đăng ký xe đúng hạn: Có thể bị phạt tiền, tước bằng lái, thậm chí thu giữ phương tiện
Việc đăng ký và quản lý phương tiện giao thông không chỉ là thủ tục hành chính đơn thuần mà còn liên quan đến quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Từ ngày 1/1/2025, Thông tư 79/2024/TT-BCA của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, quy định rõ các trường hợp bắt buộc phải đổi đăng ký xe và biển số xe. Trường hợp người dân không thực hiện đúng quy định, có thể bị xử phạt từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe, thậm chí bị thu giữ phương tiện nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Những trường hợp bắt buộc phải đổi đăng ký xe
Theo Thông tư 79/2024/TT-BCA, chủ phương tiện bắt buộc phải làm thủ tục đổi giấy đăng ký xe và biển số trong các trường hợp sau:
- Giấy đăng ký hoặc biển số xe bị mờ, hỏng, rách, không còn rõ thông tin.
- Phương tiện đã cải tạo, thay đổi màu sơn, thay đổi kết cấu, hình dáng.
- Thay đổi mục đích sử dụng phương tiện (ví dụ chuyển từ xe cá nhân sang xe kinh doanh vận tải).
- Thay đổi thông tin cá nhân của chủ xe (tên, số định danh, địa chỉ cư trú mới).
- Giấy đăng ký xe hết thời hạn hiệu lực.
- Chủ xe có nhu cầu chuyển đổi từ biển số cũ sang biển số định danh, hoặc đổi từ biển ngắn sang biển dài (và ngược lại).
Luật sư Lê Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc cập nhật thông tin đăng ký xe là nghĩa vụ của chủ phương tiện, đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng kiểm soát quyền sở hữu và phòng ngừa các hành vi gian lận trong mua bán, chuyển nhượng phương tiện”.

Mức xử phạt nếu không đổi đăng ký xe đúng hạn
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người không thực hiện đổi đăng ký xe đúng quy định sẽ bị xử phạt như sau:
Trường hợp làm mất giấy đăng ký xe nhưng không xin cấp lại:
Đối với ô tô: Phạt từ 2 đến 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng, có thể bị tịch thu phương tiện nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Đối với xe máy: Phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng, có thể bị thu giữ phương tiện nếu không rõ nguồn gốc.
Trường hợp sử dụng giấy đăng ký xe đã hết hạn:
Ô tô: Phạt từ 2 đến 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Xe máy: Phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Trường hợp giấy đăng ký xe bị tẩy xóa, sai số khung – số máy:
Ô tô: Phạt từ 4 đến 6 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng, thu giữ giấy tờ và có thể tạm giữ phương tiện.
Xe máy: Phạt từ 800.000 đến 1 triệu đồng, thu giữ phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng.
Các mức phạt này không chỉ áp dụng cho hành vi vi phạm hành chính mà còn thể hiện quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc siết chặt quản lý phương tiện lưu thông, ngăn chặn tình trạng xe không rõ nguồn gốc, xe cải tạo trái phép.
8 trường hợp bị thu hồi đăng ký và biển số xe
Cũng theo Điều 23 Thông tư 24/2023/TT-BCA, cơ quan công an sẽ thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe trong các trường hợp sau:
- Xe hỏng không còn khả năng sử dụng hoặc bị phá hủy.
- Xe hết niên hạn sử dụng theo quy định.
- Xe bị mất cắp, bị chiếm đoạt không tìm được hoặc đã bị thải bỏ.
- Xe nhập khẩu miễn thuế hoặc tạm nhập tái xuất không còn đủ điều kiện lưu hành.
- Xe đăng ký tại khu kinh tế được tái xuất hoặc chuyển nhượng vào nội địa.
- Xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển.
- Xe tháo rời khung, máy để lắp cho phương tiện khác.
- Xe có hồ sơ giả, số khung – số máy bị tẩy xóa, hàn lại hoặc cấp biển số không đúng quy định.
Theo đại diện Cục CSGT, việc thu hồi đăng ký xe và biển số xe là cần thiết để loại bỏ phương tiện không còn đủ điều kiện lưu thông, đồng thời ngăn ngừa các hành vi gian lận pháp lý, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và quyền lợi hợp pháp của người dân.