Gia đình
27/07/2025 09:32Chồng bất tỉnh vì đột quỵ, vợ ngất xỉu do nhồi máu cơ tim
Đột quỵ khi đang làm việc
Anh N.P.M (42 tuổi, quê Đồng Tháp, sống tại TPHCM) đang làm việc thì đột ngột ngã quỵ, bất tỉnh. Khi ê-kíp của Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM đến nơi, anh đã rơi vào hôn mê. Các y bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, hỗ trợ thở và dùng thuốc ổn định sinh hiệu trước khi chuyển anh đến bệnh viện.
Kết quả chụp CT não cho thấy anh bị xuất huyết dưới nhện lan tỏa do vỡ túi phình động mạch thông trước. Đây là tình trạng nguy kịch, đòi hỏi phẫu thuật khẩn cấp để cứu mạng.
Điều đáng nói, chỉ một tháng trước đó, vợ anh cũng ngất xỉu và được chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Nhờ can thiệp đặt stent mạch vành kịp thời, chị dần hồi phục và vừa xuất viện. Cả hai đều không có dấu hiệu cảnh báo trước đó nhưng liên tiếp đối mặt với những biến cố sức khỏe đe dọa tính mạng.
Cấp cứu cho anh M, bác sĩ Nguyễn Khuê Nhật Tuệ cho biết, cả hai căn bệnh này đều bắt nguồn từ biến chứng tăng huyết áp nhưng có nguyên nhân gốc khác nhau.
Tuy nhiên, sống trong cùng gia đình, chế độ ăn uống giống nhau như ăn nhiều muối, nhiều mỡ có thể dẫn tới cả hai vợ chồng đều tăng huyết áp nhưng không hề biết.
Bác sĩ Tuệ cho rằng câu chuyện trên là hồi chuông cảnh báo dù ở độ tuổi còn trẻ, nếu không chú ý đến sức khỏe, các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim vẫn có thể xảy ra.

Đột quỵ não và nhồi máu cơ tim
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, đột quỵ não (tai biến mạch máu não) xảy ra khi một vùng não bị tổn thương do thiếu máu hoặc chảy máu trong não. Có hai loại chính:
Nhồi máu não (80%): Do cục máu đông làm tắc mạch máu não, thường liên quan đến xơ vữa động mạch, rung nhĩ hoặc tăng đông máu.
Xuất huyết não (20%): Do vỡ mạch máu, thường gặp ở người tăng huyết áp không kiểm soát. Triệu chứng bao gồm yếu hoặc liệt nửa người, méo miệng, nói ngọng, mất thăng bằng, rối loạn ý thức hoặc hôn mê.
Nhồi máu cơ tim (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim thiếu máu do tắc nghẽn động mạch vành, thường do mảng xơ vữa vỡ ra tạo cục máu đông. Người bệnh có thể cảm thấy đau thắt ngực dữ dội, bóp nghẹt, lan lên vai trái, cánh tay hoặc hàm dưới, kèm khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn. Ở một số trường hợp, đặc biệt là phụ nữ hoặc người cao tuổi, triệu chứng có thể không rõ ràng, dễ bị bỏ qua.
Chẩn đoán và điều trị
Đột quỵ não: Chụp CT não là bước đầu tiên để phân biệt nhồi máu và xuất huyết. MRI, siêu âm Doppler mạch cảnh hoặc xét nghiệm đông máu giúp xác định nguyên nhân. Với nhồi máu não, thuốc tiêu huyết khối (rtPA) có thể được dùng trong 4,5 giờ đầu. Nếu tắc mạch lớn, can thiệp lấy huyết khối qua đường mạch máu là lựa chọn. Với xuất huyết não, cần kiểm soát huyết áp và phẫu thuật dẫn lưu máu tụ nếu cần.
Nhồi máu cơ tim: Điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm men tim (Troponin) giúp chẩn đoán nhanh. Can thiệp đặt stent mạch vành hoặc thuốc tiêu sợi huyết được ưu tiên để tái thông mạch máu. Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, statin và hạ huyết áp cũng được sử dụng để ngăn ngừa tái phát.
Theo bác sĩ Thy, cả đột quỵ não và nhồi máu cơ tim đều liên quan đến các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động và stress.
Bác sĩ khuyến cáo cần nâng cao thói quen khám sức khỏe và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, đặc biệt ở những người trên 40 tuổi nếu có bệnh tim mạch, chuyển hóa nên duy trì huyết áp, đường huyết và cholesterol ở mức ổn định.
Thay đổi lối sống là cách hạn chế đột quỵ. Hằng ngày, mỗi người nên ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá và giảm stress.