Gia đình
29/10/2015 11:28Những cuộc hôn nhân rỗng ruột
"Người ngoài đều tưởng gia đình tôi hạnh phúc. Chồng nghĩ tôi đương nhiên phải giữ thể diện cho anh ta vì tôi cần cái vỏ bọc gia đình bình yên cho các con và chính mình. Hằng ngày, tôi vẫn đi làm và chu tất mọi việc trong nhà như trước đây. Nhưng đêm về, dù người đàn ông ấy có nằm bên hay không, tôi đều cảm thấy trống rỗng và chán ghét", chị Hoài kể.
![]() |
Ảnh minh họa: Jackcanfield. |
"Thật ra cũng khó giấu cái kim trong bọc. Chuyện tôi có người phụ nữ khác và vợ vui vẻ bên ngoài cũng có nhiều bạn bè biết. Nhưng chúng tôi cứ coi như không. Khi tham gia các sự kiện của công ty chồng hay vợ, chúng tôi vẫn dẫn nhau đi cùng các con. Ở nhà, cả hai vẫn chu toàn mọi trách nhiệm với con. Có thể ai đó cảm thấy như vậy là sống hai mặt, là giả dối nhưng ít nhất đó là lựa chọn của cả hai chúng tôi trong thời gian này, khi con cái còn nhỏ và bố mẹ hai bên vẫn sống bằng niềm tự hào về những đứa con thành đạt và hạnh phúc", anh Toàn chia sẻ.
Kết quả một khảo sát với hơn 1.500 người của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện trong tháng 5 và tháng 6/2015, cho thấy, đa số những người tham gia vẫn giữ quan điểm truyền thống cho rằng gia đình là phải có bố mẹ và con. Và vì điều này, nhiều người cố duy trì "vỏ" gia đình trong khi những giá trị "ruột" của nó như tình yêu thương và sự tôn trọng hầu như đã biến mất.
Cũng theo khảo sát này, cứ 10 phụ nữ thì có hai người cảm thấy ngoại tình là vấn đề trong gia đình mình. Số chị em có cảm nhận "không bình yên" và "không thỏa mãn" trong gia đình cũng nhiều hơn nam giới.
Nói về điều này, tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng, khi nói tới giá trị gia đình, hiện nay, dường như chúng ta đang quan tâm đến hình thức theo khuôn mẫu hơn là cốt lõi thực sự làm nên hạnh phúc. Theo đó, các gia đình chuẩn mực thì phải có kết hôn, đầy đủ cha mẹ (khác giới tính), có con cái. Những gia đình "phi truyền thống" như đơn thân, ly hôn, không con cái... được cho là lựa chọn bất hạnh và lệch lạc.
"Khi gia đình truyền thống trở thành cái vỏ an toàn, dù cho cốt lõi của nó không còn thì người ta vẫn cố duy trì hình thức của gia đình. Hậu quả của nó chính là bạo lực gia đình và ngoại tình. Đến khi đó, liệu gia đình có còn thực sự là tổ ấm?", bà bày tỏ.
Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, trong quá trình tư vấn, bà gặp không ít trường hợp các cặp chỉ là vợ chồng về hình thức, còn thực tế, mạnh ai người nấy sống, mối quan tâm chung duy nhất là con cái. "Có những trường hợp, vợ chồng cố sống với nhau dưới một mái nhà cho tới khi con cái trưởng thành rồi đường ai nấy đi. Lý do có nhiều, vì họ muốn con cái có 'gia đình', sợ dị nghị, sợ thành kiến về việc ly hôn... Nhưng, khi đó, thực sự khó cho người phụ nữ bắt đầu lại khi họ đã ở bên kia triền dốc của đường đời", bà kể.
Bà Hà chia sẻ, việc duy trì "vỏ bọc" cho hôn nhân kiểu này kéo dài được hay không và thực sự có lợi cho con cái trẻ không lại tùy thuộc vào nhân cách, cách ứng xử của vợ chồng. Có những đôi dù không còn tình yêu nhưng cả hai đồng thuận không ly hôn, tự nguyện chấp nhận cuộc sống riêng của bạn đời, cư xử tôn trọng nhau... thì vẫn tạo ra khía cạnh tích cực cho con cái được phát triển dưới mái nhà có đầy đủ bố mẹ với sự quan tâm, yêu thương từ hai phía. Tuy nhiên, số cặp làm được như vậy không nhiều.
Theo bà, thường gặp hơn, là một trong hai vợ chồng đồng ý duy trì "vỏ" hạnh phúc nhưng trong lòng bất bình, tức tối mà cố nén lại. Tình trạng này giống như quả bom nổ chậm, chắc chắn có lúc sẽ bùng lên và khi đó sức phá hoại còn lớn hơn nhiều lần. Thậm chí, khi một người cảm thấy mình phải cố chịu đựng sống chung vì sợ định kiến nhưng trong lòng luôn khổ sở, thù ghét, rồi lôi kéo con cái vào cuộc chiến chống lại bạn đời... thì gia đình đó thậm chí còn tệ cho trẻ hơn so với việc bố mẹ ly hôn.