Bạn có cho con mình chơi điện thoại không?

Cho con cái sử dụng điện thoại như thế nào mới phù hợp là vấn đề không ít bậc cha mẹ hiện đại gặp phải.

Có phụ huynh coi điện thoại như "mãnh thú", tuyệt đối cấm con động vào, thấy con cầm máy là lập tức la rầy, giật lại.

Có phụ huynh hoàn toàn buông lỏng, để con chơi lúc nào cũng được, thậm chí còn dùng điện thoại như "công cụ dỗ trẻ" hữu hiệu, lần nào cũng thành công.

Và cũng có những phụ huynh chọn cách dung hòa khi để con chơi trong khoảng thời gian phù hợp với lý do sinh ra trong thời đại số, trẻ em ngày nay khó mà tách biệt hoàn toàn khỏi công nghệ, điện thoại.

Trẻ bị cấm dùng điện thoại và trẻ được chơi điện thoại thoải mái lớn lên sẽ có 3 khác biệt vô cùng rõ ràng- Ảnh 1.
Ảnh minh họa

Một cặp song sinh - hai cách nuôi dạy, hai số phận khác biệt

Có một cặp sinh đôi, vì cha mẹ bận bịu sự nghiệp nên gửi mỗi bé cho một bên ông bà nuôi dưỡng. Người anh được ông bà ngoại chăm, vì ông bà sợ cháu hỏng mắt nên rất ít cho cháu tiếp xúc điện thoại, TV cũng hạn chế xem, rảnh là dẫn cháu ra ngoài chơi, khám phá. Cậu bé lớn lên hoạt bát, cởi mở, nói năng lễ phép, dễ gần.

Ngược lại, cậu em trai được gửi cho ông bà nội lại có phần trầm lặng, ít giao tiếp. Hóa ra, do ông nội vẫn phải đi làm, bà nội chăm cháu một mình khá vất vả nên thường tiện tay đưa cho cháu cái điện thoại để chơi suốt buổi, còn bà thì bận việc khác. Cả ngày cậu bé chỉ dán mắt vào điện thoại mà không có ai quản lý.

Lên tiểu học, cả hai anh em được đón về sống chung với cha mẹ. Dù ngoại hình giống nhau, nhưng tính cách, thói quen và khả năng học tập của cả hai lại khác biệt rõ rệt.

Người anh học tập chủ động, làm việc cẩn thận, khả năng tập trung tốt. Em trai thì ngược lại: tâm trí lơ đãng, khó giữ sự chú ý, thường xuyên vòi vĩnh đòi điện thoại. Thậm chí cậu em còn lấy việc học làm "con bài mặc cả", năn nỉ bố mẹ làm xong bài thì cho chơi, thi điểm cao thì phải thưởng điện thoại và hoàn toàn không hiểu rằng học là vì chính tương lai của mình.

Trẻ bị cấm dùng điện thoại và trẻ được chơi điện thoại thoải mái lớn lên sẽ có 3 khác biệt vô cùng rõ ràng- Ảnh 2.
Ảnh minh họa

3 điểm khác nhau giữa trẻ bị "cấm chơi điện thoại" và trẻ được "tự do sử dụng"

Trong thời đại "màn hình cảm ứng", nhiều cha mẹ chọn cách mắt nhắm mắt mở khi con chơi điện thoại, miễn là không ảnh hưởng học tập thì không can thiệp. Tuy nhiên, thái độ của cha mẹ với vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến thói quen, tính cách và kỹ năng của trẻ trong tương lai.

1. Về học tập: Thiếu tập trung, không có tính chủ động 

Điện thoại chứa lượng lớn thông tin nhanh, ngắn, dễ tiếp thu, những điều này có thể khiến trẻ mất dần khả năng tập trung khi tiếp xúc với sách vở hay kiến thức học thuật. Trẻ quen tiêu thụ nội dung dễ dãi thì sẽ thấy việc học là nhàm chán, không hấp dẫn.

Khi tư duy bị lệch hướng bởi sự dễ dãi của thế giới mạng, trẻ khó phát triển khả năng phân tích, phản biện. Dần dà, học hành chỉ là nhiệm vụ ép buộc, hoàn toàn thiếu đi sự chủ động và mục tiêu cá nhân.

2. Về đời sống: Thiếu tự chủ, khó xây dựng trật tự 

Trẻ nhỏ đang ở giai đoạn hình thành ý thức về kỷ luật và thời gian. Nếu thường xuyên chìm đắm trong điện thoại, trẻ sẽ dễ bị nghiện, khó kiểm soát hành vi.

Một đứa trẻ biết tự kỷ luật sẽ có khả năng quản lý thời gian, làm chủ suy nghĩ và hành động. Ngược lại, trẻ nghiện điện thoại giống như chiếc xe mất lái, bị cuốn theo lười biếng, trì hoãn, và chẳng còn động lực học tập hay phát triển bản thân.

3. Về giao tiếp: Thiếu tự tin, kỹ năng xã hội kém, quan hệ gia đình rạn nứt 

Có người kể rằng cháu mình vốn là một đứa trẻ lanh lợi, thông minh. Vì cha mẹ đi làm xa, gửi con lại cho ông bà và để cháu chơi chiếc điện thoại cũ trong nhà. Lâu dần, bé thành thói quen, cứ học xong bài là lại nghịch điện thoại, đi đâu cũng ôm khư khư cái máy.

Lâu ngày không gặp, giờ đứa trẻ trông lúc nào cũng uể oải, ánh mắt vô hồn, không chủ động chào hỏi ai, thích ở lì trong phòng chơi game hơn là ra ngoài tiếp xúc. Gia đình thường xuyên la mắng vì con nghiện điện thoại, còn cha mẹ ở xa cũng liên tục gọi về trách móc. Nhưng những lời đó chỉ khiến trẻ thêm phản kháng, cúp máy, né tránh giao tiếp. Quan hệ cha mẹ con cái ngày một căng thẳng.

Trẻ bị cấm dùng điện thoại và trẻ được chơi điện thoại thoải mái lớn lên sẽ có 3 khác biệt vô cùng rõ ràng- Ảnh 3.
Ảnh minh họa

Đừng để điện thoại "giam giữ" tư duy và tương lai của trẻ

Điện thoại không xấu, cũng không nên cấm tuyệt đối. Nhưng trẻ cần được định hướng sử dụng đúng cách, đúng thời điểm, đúng mục đích. Rất nhiều đứa trẻ vì quá chìm đắm trong điện thoại mà sinh ra dối trá, lén lút, trốn nhà ra tiệm net chơi, thậm chí sa vào những mối quan hệ xấu.

Cha mẹ vì lo lắng con chơi điện thoại mà cũng phải "đấu trí" mỗi ngày. Nhưng càng cấm đoán gắt gao, trẻ càng tò mò và thấy điện thoại "thú vị". Tâm lý "cấm là muốn" càng khiến trẻ khó dứt khỏi màn hình.

Vậy làm sao để cân bằng giữa học và chơi? Làm sao để trẻ không bị phụ thuộc vào điện thoại?

Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên là tấm gương. Cha mẹ cần hạn chế dùng điện thoại trước mặt con, tuyệt đối không dùng máy để dỗ trẻ ăn hay ngủ.

Với những trẻ đã có dấu hiệu nghiện điện thoại, cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn, tuyệt đối không dùng bạo lực hay cấm đoán cực đoan, vì trẻ sẽ tìm cách "lách luật".

Quan trọng nhất, hãy cùng con thiết lập các thói quen lành mạnh, định hướng tư duy đúng đắn, để con hiểu rằng cuộc sống không chỉ có điện thoại. Trẻ cần những trải nghiệm thực tế, kỹ năng xã hội và trên hết là một nội lực mạnh mẽ để làm chủ chính mình.

                                                            Nguồn: Sohu 

Theo Thiên An (Thanh Niên Việt)