Giới trẻ
02/07/2025 15:35Giới trẻ Trung Quốc đi bar kết hợp xin quẻ cầu may: Đằng sau những gam màu tối của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới
Dọc lối vào một quán bar tại quận Fengtai, phía nam Bắc Kinh, một tấm bảng ghim đầy những mảnh giấy nhỏ của khách. Trên đó là những dòng chữ viết tay mang theo ước muốn của người trẻ như “thi đỗ”, “gặp chân ái”, “làm giàu”.
“One As All” không chỉ là một quán bar thông thường mà là một quán bar kết hợp dịch vụ bói toán. Mô hình kinh doanh này đang bùng nổ tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc trong vài năm gần đây khi giới trẻ muốn tìm cách giải tỏa áp lực giữa lúc kinh tế giảm tốc và tương lai trở nên bất định.
Tọa lạc kín đáo trên tầng 12 một tòa nhà thương mại, quán bar One As All phục vụ đồ uống với mức giá “may mắn” 88 tệ (320.000 vnd), đồng thời mang đến trải nghiệm rút quẻ và giải quẻ. Khách vừa thưởng thức rượu, vừa xin lời khuyên về công việc, tình duyên, hay tiền bạc từ “thầy bói”.
Người đảm nhiệm vai trò “thầy bói” là Derrex Deng, 20 tuổi – một sinh viên gen Z đích thực. Với móng tay đính đá hình mèo, trang sức ngọc bích và phong thái tự tin, Deng không ngần ngại đưa ra lời khuyên hiện đại như: “Hãy dùng thêm emoji (biểu tượng cảm xúc) khi nhắn tin với người thân ở nước ngoài”.
Lo lắng về kinh tế thúc đẩy quan tâm đến bói toán
Những lo lắng về các mối quan hệ và công việc ở giới trẻ ngày càng gia tăng ở Trung Quốc. Khi tốc độ tăng trưởng giảm sút, thất nghiệp leo thang và cơ hội làm giàu ngày càng hiếm hoi, nhiều người cảm thấy lo lắng về tương lai. Vì thế, họ tìm đến “huyền học” như một cách trấn an tinh thần. Ứng dụng chiêm tinh Cece, được Tencent hậu thuẫn, đã có hơn 100 triệu lượt tải. Đây là minh chứng cho sự bùng nổ của cái gọi là “nền kinh tế tâm linh”.
“Dấu hiệu rõ ràng nhất của suy thoái kinh tế là, một vài năm trước, hầu như không ai tin vào siêu hình học hay bói toán. Nhưng trong 2 năm qua, những niềm tin như vậy rõ ràng đã trở nên phổ biến hơn”, một người dùng Weibo viết.
Còn Ma Xu, 33 tuổi – đồng sáng lập One As All, cho rằng: “Khi áp lực quá lớn, rượu và tâm linh đều là cách để người ta xả stress”. “Hiện tại, nền kinh tế đang đi xuống. Mọi người không thể mua những thứ đắt tiền hay đi du lịch nước ngoài. Vì vậy, có thể đến đây, uống một ly rượu vang và trò chuyện suốt đêm”.
Đối với Dong Boya, 29 tuổi, làm trong ngành PR, uống rượu kết hợp bốc quẻ là một trải nghiệm thú vị. “Trước kia bọn tôi đến chùa, giờ thì ngồi bar xin quẻ cũng được”.
Dù loại hình tarot phương Tây đã có mặt tại nhiều thành phố lớn, người dùng Trung Quốc vẫn ưa chuộng các hình thức bói toán truyền thống. Ning Ning, 37 tuổi, chia sẻ: “Tarot là của nước ngoài, tôi không tin lắm. Tôi thích bói theo kiểu đạo giáo hơn”.
Tuy nhiên, tâm linh vẫn là chủ đề nhạy cảm trong xã hội Trung Quốc. Từ năm 2018 đến nay, gần 300 người đã bị xử lý hình sự vì hoạt động liên quan đến bói toán. Vì vậy, các chủ quán bar như Ma phải hành xử thận trọng. Anh khẳng định quán không thu phí xin quẻ và luôn nhắc khách “phân biệt rõ giữa niềm tin với mê tín”.
Theo chuyên gia phân tích tiêu dùng Yaling Jiang, nhu cầu tìm kiếm bản sắc văn hóa bản địa cũng góp phần khiến bói toán truyền thống được yêu thích trở lại. Song điều quan trọng hơn là nếu nó giúp kích thích chi tiêu, chính quyền Trung Quốc có thể… nhắm mắt cho qua. “Miễn là nó thúc đẩy tiêu dùng, thì sẽ không gây phản ứng ngược”, cô nói.
Trong bối cảnh xuất khẩu yếu, niềm tin người tiêu dùng suy giảm và người dân thắt chặt chi tiêu, có lẽ một chút tâm linh hòa cùng ly cocktail lại là giải pháp tiêu dùng độc đáo thời hậu tăng trưởng thần tốc của Trung Quốc.
Theo Y Vân (Nguoiduatin.vn)