Kinh tế
24/04/2016 11:08BIDV bất ngờ “xén” tỷ lệ chia cổ tức vào phút chót
Tối qua, BIDV công bố tài liệu chính thức phục vụ cho đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên diễn ra vào sáng nay (ngày 24.4), trong đó có nội dung đáng chú ý là giảm tỷ lệ chia cổ tức trên 9% xuống còn 8,5% trong năm 2015.
![]() |
Việc bất ngờ “cắt giảm” cổ tức của BIDV có thể có nguyên nhân từ việc cho vay Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức.
Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán năm 2015 của HAGL, trong số 27.099 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, BIDV chiếm tỷ lệ lớn nhất với 10.664 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn là 1.896 tỷ đồng, cho vay dài hạn là 2.868 tỷ đồng, còn lại là cho vay thông qua mua trái phiếu.
Theo đó, kiểm toán viên cho rằng HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu, điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Với kết luận này, theo quy định trích lập dự phòng nợ xấu của NHNN, những khoản nợ của Bầu Đức tại các ngân hàng sẽ phải chuyển sang nợ xấu. Điều này chắc chắn tác động tới tỷ lệ nợ xấu của BIDV. Chắc chắn, tỷ lệ nợ xấu của BIDV sẽ không còn giữ ở mức 1,62% hồi cuối năm 2015.
Có lẽ, NHNN đã yêu cầu BIDV phải trích lập đầy đủ khoản nợ liên quan đến Bầu Đức, và điều này đã tác động tới tỷ lệ chia cổ tức năm 2015 của ngân hàng này.
Còn nhớ năm 2015, hàng loạt ngân hàng phải điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức theo yêu cầu của NHNN. Theo cơ quan này, trong điều kiện diễn biến thị trường còn khó khăn, các ngân hàng phải ưu tiên trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trước khi chia cổ tức cho cổ đông.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục II, Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, cho biết: “Trong nội tại hoạt động của từng ngân hàng, phải đặt lên trên yêu cầu an toàn cho các nhà băng, nâng cao năng lực tài chính, an toàn vốn; nếu có rủi ro thì phải có nguồn dự phòng để xử lý”.
Một thông tin đáng chú ý nữa là kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 9.446 tỷ đồng trong năm 2016. Nếu thành công, vốn điều lệ dự kiến của BIDV sẽ tăng từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.633 tỷ đồng. Thời gian dự kiến tăng vốn được thực hiện trong quý II.2016.
Câu hỏi đặt ra, liệu BIDV có thực hiện thành công phương án tăng vốn không? Vì kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được ĐHĐCĐ năm 2015 thông qua nhưng BIDV đã không tìm được nhà đầu tư nào.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch tăng vốn lần này của BIDV là không có sự tham gia của cổ đông Nhà nước. Tính đến thời điểm cuối tháng 3.2015, vốn của Nhà nước tại BIDV chiếm tỷ lệ 95,28% vốn của ngân hàng này, tương đương 30.000 tỷ đồng (số vốn điều lệ tại thời điểm đó là 31.481 tỷ đồng).