GS TS Đặng Đình Đào cho rằng cần kêu gọi các nhà đầu tư trong nước góp vốn để tháo gỡ khó khăn cho dự án gang thép Thái Nguyên.

GS TS Đặng Đình Đào cho rằng cần kêu gọi các nhà đầu tư trong nước góp vốn để tháo gỡ khó khăn cho dự án gang thép Thái Nguyên.

Liên quan đến Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO),Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Để giải quyết tình hình khó khăn hiện nay, Thủ tướng yêu cầu phải đưa ra được các giải pháp, gồm phương án bán dự án, phương án bán TISCO và phương án kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư dự án, trong đó làm rõ khả năng đàm phán với đối tác Trung Quốc để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm.

Trao đổi với Đất Việt xung quanh vấn đề này, GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cho rằng cần nhanh chóng có những biện pháp thay thế nhằm cứu vãn sự trì trệ, kém hiệu quả của dự án TISCO. 

“Đã đến lúc nhà nước không thể bao cấp những dự án hoạt động không có hiệu quả như TISCO. Bây giờ càng đẩy nhanh giải pháp càng tốt, đừng để 8.000 tỷ trôi xuống sông xuống biển. Nếu để kéo dài rồi vài năm nữa thì không thể làm gì được cả. 

Chúng ta cần phải chấp nhận đau đớn để giải quyết đầu tư hợp lý những dự án không có hiệu quả. Tiền ngân sách nhà nước bây giờ có hạn, không thể tiếp tục kéo dài như vậy được”, GS TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Nhìn nhận tổng thể cả 3 phương án được đưa ra, vị chuyên gia cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc kêu gọi các nhà đầu tư trong nước góp vốn là biện pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình hình TISCO.

Chốt dự án thép nghìn tỷ Thái Nguyên: Thận trọng Trung Quốc
GS TS Đặng Đình Đào cho rằng cần kêu gọi các nhà đầu tư trong nước góp vốn để tháo gỡ khó khăn cho dự án gang thép Thái Nguyên. 

“Phương án bán dự án và bán công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có thể có nhà đầu tư chấp nhận bỏ vốn để đầu tư nhưng điều kiện hiện nay bán để các nhà đầu tư trong nước không mua được mà doanh nghiệp nước ngoài họ mua thì chưa chắc đã có lợi. 

Bởi vì đây là công nghệ Trung Quốc, máy móc Trung Quốc nếu chúng ta bực bội thấy không hiệu quả bán đi, giả sử Trung Quốc họ nhảy vào còn khổ thêm. Chúng ta khó có thể kiểm soát được tình hình và biết doanh nghiệp họ sẽ đầu tư như thế nào. Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm với Trung Quốc rồi. 

Cho nên hướng thứ 3 mà Chính phủ đề xuất là tốt nhất, nên kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, có thể đầu tư vào để nâng cao hiệu quả dự án này chứ không để nhà nước tiếp tục bơm tiền. Có làm như vậy cũng không giải quyết được vấn đề gì”, GS TS Đào phân tích. 

Theo vị giáo sư, song song với việc kêu gọi đầu tư, chúng ta cũng cần phải quy trách nhiệm cho những cá nhân, đơn vị triển khai dự án TISCO mà để xảy ra những tổn thất, thiệt hại như hiện nay. 

“Khi huy động các nhà đầu tư khác đầu tư vào dự án thì dứt khoát phải chuyển đổi định hướng chứ không thể làm thép xây dựng tràn lan được. Sắp tới hiệp định thuế quan vào thì thép Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh với thép của Nga và của Belarus. 

Hiệp định TPP 2018 vào thì Việt Nam còn khốn khó nữa. Đã đến lúc chúng ta phải tính toán lại cẩn thận,  bài bản theo hướng lâu dài. Trong khi thép xây dựng của chúng ta khó có khả năng cạnh tranh thì nên hướng sang lĩnh vực thép cơ khí phục vụ cho lĩnh vực chế tạo máy, hiện nay Việt Nam đang thiếu là tốt nhất”, GS TS Đào nêu giải pháp. 

Hướng mục tiêu bán dự án

Cùng đưa ra quan điểm, TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế đánh giá, phương án bán công ty TISCO và kêu gọi đầu tư góp vốn thì rất chậm và phức tạp. Vì vậy phương án tốt nhất là bán dự án để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn. 

“Khi bán TISCO chúng ta phải tính toán đủ thứ vấn đề, sẽ kéo dài thời gian và thiệt hại thêm chứ không được gì. Phương án kêu gọi cổ phần hóa cũng không khả thi. Cổ phần hóa thì phải có một chủ đầu tư và họ phải có phương pháp để tự đầu tư  triển khai dự án. Về cơ bản thì không đổi năng lực quản trị nên rất khó. 

Phương án bán dự án là nhanh nhất, có thể bán đấu giá, trên quan điểm sẵn sàng bán, để tranh thiệt hại cho nhà nước và xã hội”, TS Hiển nhận định. 

Dù cho rằng phương án đầu tiên là khả thi nhất, nhưng vị chuyên gia cũng thừa nhận sẽ khó có một doanh nghiệp mới nào chấp nhận mạo hiểm để bỏ tiền đầu tư mua dự án khi ngành thép đang bão hòa.

“Thường thì một doanh nghiệp lạ, chân ướt chân ráo mua thì sẽ rất khó. Ở đây phải là doanh nghiệp đã có quan hệ với Việt Nam, thậm chí là đã sản xuất. Họ tìm hiểu và thấy rẻ thì đầu tư thôi, chứ tìm đối tác mới thì sẽ rất khó. 

Bản thân dự án đã có các yêu cầu về sản xuất, môi trường. Tất cả những quy định trong dự án có thì khi đầu tư mới họ phải tuân thủ những quy định trên. 

Nhưng tôi khẳng định lại quan điểm là chúng ta không đòi hỏi bán để thu hồi vốn, bán rẻ cũng được nhưng phải làm cho xong, tuyệt đối không thể bỏ dở được”, TS Hiển nhấn mạnh. 

Trước những lo ngại doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm dự án TISCO, vị chuyên gia cho rằng, chúng ta nên bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp với nhau để kêu gọi đầu tư, trên cơ sở đó để có lựa chọn tốt nhất. 

“Dù là Trung Quốc hay dù bất cứ quốc gia nào thì trong luật đã có quy định rõ ràng, chỉ có con người là sai sót thôi. Chúng ta thấy Trung Quốc vẫn có thể đầu tư vào Nhật, họ vẫn làm rất tốt. Vấn đề chính là người được giao nhiệm vụ giám sát đã buông lỏng trách nhiệm thôi. Vì vậy cần tạo điều kiện để tất cả các doanh nghiệp cùng tham gia để có thêm lựa chọn”, TS Hiển nêu quan điểm. 

Theo Nguyễn Hòa (Đất Việt)