Kinh tế
07/07/2025 20:06Hàng giả bùng nổ khiến Đông Nam Á bị Mỹ để mắt: Việt Nam bất ngờ được tán dương vì một hành động
Sự kiên trì là yếu tố then chốt của ngành kinh doanh hàng giả – một phẩm chất mà Rahul có thừa.
Trên những con phố đông đúc, sáng đèn neon của Bangkok, Rahul - người đàn ông Ấn Độ ngoài ba mươi tuổi đang bán đồng hồ Rolex nhái một cách thành thạo.
"Cái này gần như tốt như hàng thật," anh ta cười trước khi hòa vào đám đông, một túi đồng hồ Thụy Sĩ nhái đeo trên vai.
Hoạt động buôn bán của anh ta là bất hợp pháp, nhưng nó vẫn phát triển mạnh mẽ, có lẽ nó chỉ là một gợn sóng nhỏ trong đại dương hàng giả của Đông Nam Á. Bây giờ, đại dương đó nằm trong tầm ngắm của Washington vì các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Singapore và Việt Nam lại được đánh giá cao vì đã có những bước tiến rõ rệt trong việc tăng cường cơ chế thực thi IPR [quyền sở hữu trí tuệ] để thu hút các khoản đầu tư cao cấp.
Hàng giả bùng nổ ở Đông Nam Á
Những chuyến bán dạo đêm của Rahul qua điểm du lịch nổi tiếng Sukhumvit ở thủ đô Thái Lan thường gặp phải sự thờ ơ hoặc thái độ ghét bỏ công khai, với những lời chửi thề theo sau. Nhưng đôi khi, sự kiên trì của anh ta được đền đáp.
Vào một ngày thứ Sáu gần đây, hai khách du lịch đến từ New Zealand đã mặc cả giá một chiếc đồng hồ “Rolex” từ 10.000 baht xuống còn 2.000 baht (310 USD xuống còn 62 USD) – mức giảm giá ngay lập tức 80%, hé lộ nguồn gốc thực sự của chiếc đồng hồ.
Theo Liên đoàn Đồng hồ Thụy Sĩ, hàng chục triệu chiếc đồng hồ giả được bày bán mỗi năm, nhiều trong số đó được chuyển qua châu Á. Đồng hồ chỉ đứng sau quần áo là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất thế giới.
Đối với các thương hiệu lớn, việc kiểm soát những tội phạm cấp thấp, xuyên quốc gia và phân tán này là một nhiệm vụ bất tận và vô cùng khó khăn.
Năm ngoái, Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã truy tố hơn 1.300 vụ việc, thu giữ hơn 2,7 triệu mặt hàng giả có giá trị hàng chục triệu USD.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ về vi phạm sở hữu trí tuệ.

Mặc dù Thái Lan đang đạt được tiến bộ trong những lĩnh vực này, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại. Hàng giả và hàng vi phạm bản quyền vẫn dễ dàng có sẵn, đặc biệt là trên mạng”, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết trong một báo cáo được công bố vào đầu năm nay.
Trung tâm MBK ở Bangkok bị coi là "khu chợ khét tiếng" đầy rẫy hàng giả - một danh hiệu có sức nặng khi Thái Lan bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng với Washington, với hy vọng giảm mức thuế quan 36% của Mỹ xuống mức cơ bản là 10%.
Năm ngoái, khoảng 20% tổng lượng hàng xuất khẩu của Thái Lan là sang Mỹ, khiến Mỹ trở thành thị trường nước ngoài lớn nhất của vương quốc này.
Một đợt thanh tra gần đây tại MBK đã gây xôn xao dư luận, nhưng trung tâm mua sắm này chỉ là một nút trong mạng lưới trải dài khắp châu lục. Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan tràn ngập cả thị trường truyền thống và online.
Tilleke & Gibbins, một công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ có trụ sở tại Bangkok, chia sẻ với This Week in Asia rằng: "Những mặt hàng này thường được phân phối qua các chợ đen và ngày càng nhiều qua các nền tảng trực tuyến".
Đối với nhiều người, mua sắm hàng giả là một thú vui vô hại, thậm chí là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch Đông Nam Á – một cách để mang “hàng xa xỉ” về nhà với giá rẻ, hoặc tích trữ cho công việc phụ.
“Tuy nhiên, nhận thức này bỏ qua những hậu quả rộng lớn hơn. Hàng giả làm suy yếu các doanh nghiệp hợp pháp, gây thất thu thuế và khiến người tiêu dùng phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe và an toàn”, Tilleke & Gibbins cho biết trong một tuyên bố.
“Hơn nữa, buôn bán hàng giả thường liên quan đến tội phạm có tổ chức, bao gồm buôn bán ma túy và bóc lột sức lao động. Những gì có vẻ như là một món hời vô hại thực sự thúc đẩy nền kinh tế bất hợp pháp toàn cầu với những tác động sâu rộng và gây thiệt hại lớn.”
Việt Nam vươn lên nhờ tăng cường cơ chế thực thi IPR
Phiên tòa xét xử một người Pháp có biệt danh là "hoàng tử hàng giả" vào năm ngoái đã tiết lộ cách hàng giả xa xỉ được chuyển từ các nhà máy ở Trung Quốc đến các nhà phân phối ở Thái Lan, sau đó đến tay người mua toàn cầu thông qua các nhóm WhatsApp được mã hóa.
Người đàn ông này, được tòa án Pháp xác định là Julien V, được cho là đã bỏ túi hàng triệu euro bằng cách bán đồng hồ giả với giá từ 500 đến 1.300 euro (590 USD đến 1.530 USD) - những chiếc đồng hồ gần như không thể phân biệt được với hàng chính hãng có giá bán lẻ lên tới hàng chục nghìn USD.
Thương mại điện tử làm phức tạp việc thực thi. Với hàng triệu bưu kiện được gửi đi mỗi ngày, hàng hóa bất hợp pháp dễ dàng được che giấu dưới tên giả và công ty bình phong.
Các sàn giao dịch trực tuyến hàng đầu châu Á như IndiaMART, Bukalapak... đều đã bị Mỹ coi là trung tâm của hoạt động làm giả.
Tuy nhiên, đối với những người thích mặc cả trực tiếp, Đông Nam Á vẫn tiếp tục tràn ngập những khu chợ đường phố nổi tiếng. Ví dụ, tại phố Petaling của Kuala Lumpur, các quầy hàng bán túi Louis Vuitton giả và đồng hồ Rolex nằm giữa những người bán hạt dẻ rang và các ki-ốt bán bánh tart dứa.
Mặc dù được coi là khu phố Tàu, hầu hết các quầy hàng hiện nay đều do những người di cư Bangladesh bán hàng, không phải tất cả họ đều có giấy phép lao động hợp pháp.
“Ông chủ của tôi là Hoa Kiều,” Alamgir, người bán hành lý du lịch gần lối vào chợ, cho biết. “Tôi đã làm việc được sáu tháng rồi; mức lương khá.”
Hoạt động buôn bán hàng giả ở phố Petaling đã suy yếu kể từ thời hoàng kim vào đầu những năm 2000, khi người mua hàng được cảnh báo không nên hỏi giá trừ khi họ có ý định mua, nếu không họ sẽ bị những người bán hàng dai dẳng quấy rối.
Nhưng việc bán hàng xa xỉ giả không phải là vấn đề cục bộ. Hậu quả tài chính là toàn cầu: làm cạn kiệt ngân khố chính phủ, ngăn cản đầu tư và làm phức tạp các cuộc đàm phán thương mại.
Đối với Malaysia, đặc biệt là ở các quận nổi tiếng như phố Petaling, nạn buôn bán hàng giả từ lâu đã là vấn đề nhức nhối trong thương mại quốc tế – hiện đang được giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Liew Chee Yoong, một nhà kinh tế tại Đại học UCSI ở Kuala Lumpur, cho biết: "Việc tiếp tục dung túng cho nạn buôn bán hàng giả khiến [Malaysia] ở thế bất lợi so với các nước trong khu vực như Singapore và Việt Nam, cả hai quốc gia này đều đã có những bước tiến rõ rệt trong việc tăng cường cơ chế thực thi IPR [quyền sở hữu trí tuệ] để thu hút các khoản đầu tư cao cấp".