Kinh tế
10/07/2025 08:15Lạm phát về đâu?
Chuyện riêng, chuyện chung
Cuối tuần trước, vợ một cậu em tôi chơi thân đã lâu năm gọi điện mếu máo: “Anh ạ, giờ cơm áo gạo tiền, cái gì cũng tăng mà ông ấy cứ thờ ơ như không. Ngồi ì ra đấy. Ông ấy cứ tưởng mấy đồng lương đưa em là đủ rồi. Em chán lắm rồi”.
Tôi chơi với họ đã nhiều năm nên biết họ giận nhau cả mấy tuần nay. Ông chồng làm công chức, lương hơn chục triệu, giữ lại số lẻ chi tiêu, còn đưa vợ 10 triệu. Vợ cũng làm công chức, lương 10 triệu. Họ làm việc chăm chỉ, tốt bụng và chăm bẵm hết lòng cho con cái.
Nhưng quả thực, cả nhà 4 người sống với mức lương 20 triệu ở Hà Nội đắt đỏ nhất nước, thì đúng là khó sống. Tiền điện, tiền chợ, tiền học là mất hút số lương đó, đừng nói là phong bao cho đám hiếu, đám giỗ hay quà cáp cho cha mẹ ở quê.

Nhưng trong thực tế, không chỉ có cơm áo gạo tiền trở thành gánh nặng. Chỉ trong nửa đầu năm 2025, giá nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, gạch, vật liệu san lấp… đã tăng vọt, có loại tăng gấp 2–3 lần. Diễn biến bất thường này đang gây áp lực lớn lên chi phí đầu tư, làm chậm tiến độ hàng loạt công trình của cả người dân và Nhà nước.
Tình hình căng thẳng đến mức, trung tuần tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng 3,84% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm dùng cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,25%; nông – lâm – thủy sản tăng 1,78%; vật liệu dùng cho xây dựng tăng 1,20%.
Cùng kỳ, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%. Riêng giá điện sinh hoạt tăng 5,51% do nhu cầu tiêu dùng tăng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Ngoài ra, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%; nhóm giáo dục tăng 2,95%.
Lạm phát vẫn dậm chân tại chỗ
Bất chấp thực tế đó, CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2025 chỉ tăng 3,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2024.
Hay nói cách khác, CPI đi ngược chiều so với xu thế ngoài đời.
Hãy thử so sánh CPI bình quân nửa đầu năm trong giai đoạn từ 2021 đến nay. Dưới đây là bảng so sánh CPI bình quân 6 tháng đầu năm trong giai đoạn từ 2021 đến 2025:
Điểm đáng chú ý là mức tăng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 là 3,27%. Mức tăng này không chỉ thấp hơn đáng kể so với mức tăng của năm 2024 (4,08%) mà còn thấp hơn cả mức tăng của năm 2023 (3,29%). Điều này cho thấy CPI trong nửa đầu năm 2025 đã được kiểm soát tốt hơn, hoặc ít nhất là không tiếp tục đà tăng mạnh như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, bình quân sáu tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cũng ngược chiều gió thế giới.
Chẳng hạn, mới đây IMF dự báo lạm phát toàn cầu được dự báo giảm từ 5,8% (năm 2024) xuống 4,2% (năm 2025). Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn đối mặt với mức lạm phát cao hơn, dù dự kiến giảm từ 7,9% xuống 5,9%.
Tổ chức này cho rằng, căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị và xu hướng bảo hộ gia tăng là những yếu tố rủi ro có thể cản trở quá trình giảm lạm phát, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển.
Như vậy có thể thấy, CPI và lạm phát ở Việt Nam không tăng cao so với các năm trước và thậm chí đi ngược lại với xu thế toàn cầu.
CPI không tăng là điều đáng mừng ở mọi góc độ từ tiêu dùng đến sản xuất.
Vì sao lạm phát vẫn “nằm im”?
Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy: Dù Chính phủ đang thực thi đồng thời chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp, thậm chí ngược xu hướng thế giới.
Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã vượt mốc 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng đã bơm ra thị trường gần 1,55 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng – tương đương khoảng 260.000 tỷ đồng mỗi tháng. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng tín dụng đã đạt 19,32% – mức cao nhất kể từ năm 2023.
Không chỉ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng được nới lỏng chưa từng thấy. Dự kiến bội chi ngân sách năm nay có thể lên tới 4-4,5% GDP, cao hơn mức dự toán 3,8%. Chi đầu tư phát triển ước đạt gần 1 triệu tỷ đồng, tăng 16,7% so với kế hoạch 791 nghìn tỷ. Ngoài ra, các gói miễn, giảm, giãn thuế và phí cho doanh nghiệp, người dân lên tới trên 230 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khoảng 66% dự toán, trong đó riêng thu từ tiền sử dụng đất đã vượt 96%.
Cả hai trụ cột chính sách đều được mở rộng với quy mô lớn, thể hiện nỗ lực quyết liệt của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng GDP 8% trong năm nay.
Thế nhưng, lạm phát vẫn chưa xuất hiện. Vì sao dòng tiền lớn như vậy không đẩy CPI tăng cao?
Câu trả lời nằm ở sức mua trong dân. Tiêu dùng cá nhân – động lực chính của lạm phát – chưa có dấu hiệu phục hồi tương xứng với quy mô kích thích kinh tế. Đây cũng là chỉ báo quan trọng cho thấy những thách thức lớn đang đè nặng lên nội lực của nền kinh tế.
Sức mua giảm mạnh, CPI không tăng nổi
Bạn thử bước ra những con phố thương mại vốn từng sầm uất ở Hà Nội hay TP.HCM, ghé qua các trung tâm mua sắm từng đông nghịt người, hoặc thậm chí chỉ cần đi qua những khu chợ dân sinh, sẽ dễ dàng cảm nhận rõ một thực tế: sức mua của người dân đang suy yếu nghiêm trọng.
Không khó để nhận ra cảnh đìu hiu tại nhiều cửa hàng bán lẻ, siêu thị và chợ truyền thống. Sức tiêu dùng – vốn là “động cơ chính” của nền kinh tế, khi chiếm đến khoảng 64% GDP – đang bị “tắc nghẽn” chưa từng thấy. Ngay cả trong nửa đầu năm nay, đã có tới 127.200 doanh nghiệp đóng cửa, nâng tổng số doanh nghiệp rời thị trường từ năm 2020 đến nay lên đến 862.376.
Lý do không chỉ nằm ở chi phí đầu vào tăng cao, tín dụng thắt chặt hay niềm tin thị trường suy giảm, mà còn ở chỗ: người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, khiến tổng cầu trì trệ. Sản lượng điện – một chỉ báo gián tiếp của sản xuất và tiêu dùng – trong 6 tháng đầu năm 2025 chỉ tăng 2,67% so với cùng kỳ, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm.
Trong khi đó, một thực tế đang diễn ra: thu ngân sách từ đất đai lại tăng đột biến. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thu từ nhà, đất đã đạt gần 200.000 tỷ đồng, gần gấp đôi dự toán cả năm – mức tăng chưa từng có. Điều này cho thấy, người dân và doanh nghiệp đã dồn một lượng tiền khổng lồ cho nghĩa vụ tài chính đất đai – từ đấu giá, chuyển nhượng, thuế, phí sử dụng… làm hạn hẹp các nguồn lực còn lại dành cho tiêu dùng và đầu tư sản xuất.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 chỉ tăng 3,27%, thấp hơn cùng kỳ 2023 và 2024, cho thấy áp lực giá cả đến từ phía cầu hiện gần như không đáng kể.
CPI tăng thấp là yếu tố nửa mừng nửa lo. Nó cho thấy lạm phát chưa phải là vấn đề. Ngược lại nó cho thấy sức mua đang yếu đi nhiều.
Theo Cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động hiện nay là 8,3 triệu đồng/tháng. Cậu em tôi, dù sao cũng còn may mắn khi nhìn ra rộng, với thu nhập của họ 10 triệu đồng/tháng, họ đã thuộc diện vào 20% số người “giàu” nhất Việt Nam, theo Cục Thống kê.