Kinh tế
02/07/2025 10:14Sau 1/7, một 'siêu phường' ở Hà Nội sở hữu 32 tỷ USD vốn hóa doanh nghiệp

Từ ngày 1/7, cùng với việc xóa cấp hành chính quận và điều chỉnh lại địa giới phường, Hà Nội không chỉ thay đổi về mặt bản đồ hành chính, mà còn vẽ lại “bản đồ quyền lực” của giới tài chính. Những cái tên quen thuộc như Hoàn Kiếm, Cửa Nam giờ đây không chỉ là biểu tượng văn hóa – lịch sử mà còn trở thành tâm điểm hội tụ các “ông lớn” vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc sáp nhập các phường cũ như Lý Thái Tổ, Tràng Tiền thành một phường mới mang tên Hoàn Kiếm đã khiến khu vực này trở thành "thung lũng" tài chính của Thủ đô.
Trong đó, 3 ngân hàng niêm yết đang đặt trụ sở tại phường Hoàn Kiếm gồm Vietcombank (vốn hóa trên 476.000 tỷ đồng - 18,4 tỷ USD), BIDV (255.000 tỷ đồng - 9,8 tỷ USD) và LPBank (96.000 tỷ đồng - 3,7 tỷ USD), với tổng vốn hóa thị trường hơn 827.000 tỷ đồng (tương đương 32 tỷ USD). Đây là con số vượt xa tổng GRDP hàng năm của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, minh chứng cho sức hút và vị thế “không thể thay thế” của khu vực trung tâm Hà Nội.
Không chỉ là nơi đặt trụ sở của các ngân hàng hàng đầu, phường Hoàn Kiếm còn là nơi đặt trụ sở của một loạt các cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), HNX… tạo nên một mạng lưới tài chính dày đặc và năng động.
Ngay sát bên Hoàn Kiếm, phường Cửa Nam cũng không kém cạnh khi trở thành nơi đặt trụ sở của 3 “ông lớn” ngân hàng: Techcombank, VietinBank, SHB. Tổng vốn hóa của bộ ba này lên tới 519.000 tỷ đồng (khoảng 20 tỷ USD), đưa Cửa Nam trở thành khu vực "đắt giá" thứ hai trên bản đồ tài chính Thủ đô theo chuẩn niêm yết.
Việc hai phường trung tâm kề nhau sở hữu số vốn hóa khổng lồ như vậy giúp lý giải vì sao khu vực quanh hồ Gươm luôn là trung tâm của thị trường tài chính – ngân hàng, từ trụ sở giao dịch đến hệ sinh thái văn phòng cho thuê cao cấp.
Dù không nằm tại khu vực trung tâm, nhưng quận Long Biên (cũ), đặc biệt là hai phường Việt Hưng và Phúc Lợi vẫn là điểm sáng đáng chú ý trên bản đồ doanh nghiệp tỷ USD.
Tại Việt Hưng, trụ sở chính của Vingroup và Vincom Retail tạo nên tổng vốn hóa 421.600 tỷ đồng. Trong khi đó, phường Phúc Lợi là nơi Vinhomes đặt trụ sở với vốn hóa 315.000 tỷ đồng. Tính chung, hai phường này sở hữu hơn 736.000 tỷ đồng – tương đương 28,3 tỷ USD, củng cố vị thế của Long Biên là “căn cứ địa” của hệ sinh thái họ Vingroup.
Không dừng lại ở đó, Long Biên còn là nơi đặt trụ sở của Vietnam Airlines, doanh nghiệp hàng không quốc gia hiện có vốn hóa gần 84.000 tỷ đồng.
Không chỉ khu vực trung tâm hay phía Đông, các địa bàn phía Tây Hà Nội như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu ngành công nghệ và tài chính như Phường Từ Liêm (Nam Từ Liêm cũ) là nơi Viettel Global đặt trụ sở với vốn hóa 227.200 tỷ đồng, Phường Cầu Giấy là nơi “đóng đô” của FPT với 175.100 tỷ đồng, Phường Yên Hòa có MB Bank, phường Láng là nơi đặt trụ sở VPBank, còn phường Hai Bà Trưng lại nổi bật với “ông vua thép” Hòa Phát.
Tổng giá trị vốn hóa tại các doanh nghiệp đặt trụ sở ở khu vực phía Tây Hà Nội ước đạt hơn 550.000 tỷ đồng, chứng minh sức hấp dẫn của khu vực này trong mắt các tập đoàn trẻ, năng động, có tầm nhìn dài hạn.
Trước ngày 1/7, bản đồ các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD đã phần nào tập trung tại các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Long Biên. Tuy nhiên, việc xóa bỏ cấp quận và sáp nhập phường đã tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới, không chỉ trên bản đồ hành chính, mà còn cả trên “bản đồ vốn hóa”.
Giờ đây, khi nhắc đến trung tâm tài chính của Hà Nội, người ta không chỉ nói đến phố Ngô Quyền hay Tràng Tiền nữa, mà sẽ nói đến phường Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Việt Hưng hay Từ Liêm – những cái tên gắn liền với sức mạnh doanh nghiệp, tiềm lực tài chính và tầm nhìn chiến lược.
Hiền Lê (SHTT)