Kinh tế
11/07/2025 16:01Tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong gần hai thập kỷ, các chuyên gia quốc tế bình luận ra sao về kỷ lục này của Việt Nam?
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt mong đợi
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm 2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đạt 7,52% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 15 năm qua.
Trong đó GDP thực tế đã tăng tốc, đạt gần 8% trong quý II năm 2025, vượt xa dự báo của Bloomberg là 6,85% và UOB là 6,1%. Con số này cũng cao hơn mức đã điều chỉnh của quý I là 7,05%.
Bên cạnh đó, lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức tương đối thấp khoảng 3,6%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục dao động quanh mức 2,2%.
Đồng thời, mức bội chi ngân sách dự kiến và tổng nợ công của Chính phủ vẫn ở mức có thể kiểm soát và nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn quốc tế, lần lượt là 3,4% và 34% GDP.
“Mặc dù ban đầu có những lo ngại về khả năng sắp tăng thuế từ Hoa Kỳ, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, nhưng các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Việt Nam vẫn cực kỳ tích cực”, Tiến sĩ Richard Ramsawak, Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá về kết quả kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm.
Cụ thể, Tiến sĩ Tiến sĩ Richard Ramsawak đã chỉ ra ba yếu tố then chốt trở thành các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay.
Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh trong quý II, ở mức 18%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo vị chuyên gia, thời gian qua, đặc biệt là xuất khẩu từ Việt Nam (và châu Á) sang Hoa Kỳ tăng mạnh khi các công ty “mua dồn” hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong giai đoạn Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế.
“Thiều khả năng, xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh thời gian qua là do được thúc đẩy bởi khoảng thời gian ngắn với điều kiện thuế quan thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu lớn. Sự tăng mạnh này góp phần tạo ra thặng dư thương mại đáng kể, lên tới 4,41 tỷ USD”, Tiến sĩ Richard Ramsawak phân tích.
Thứ hai, sản xuất công nghiệp tăng 9,2%, vượt qua mức tăng 8% cùng kỳ năm ngoái. Sự mở rộng này chủ yếu được dẫn dắt bởi các ngành chế biến, chế tạo – tiếp tục là động cơ chính của tăng trưởng công nghiệp.
Cụ thể, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,1% (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), đóng góp 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2024 tăng 12,8%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,4%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 3,0% (cùng kỳ năm 2024 giảm 6,0%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm.
Thứ ba, bất chấp những lo ngại về thuế quan toàn cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn duy trì ở mức cao. FDI tăng khoảng 35,5%, đạt hơn 6,9 tỷ USD, phần lớn tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Cùng với cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư vào các ngành công nghệ cao, điều này giúp Việt Nam có một nền tảng kinh tế tương đối vững chắc.
“Tóm lại, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế lành mạnh với mức tăng trưởng cao”, Tiến sĩ Richard Ramsawak nhấn mạnh.
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm
Đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2025, Tiến sĩ Richard Ramsawak cho biêt, khi hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn tất, tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư sẽ được tháo gỡ, qua đó có khả năng hỗ trợ duy trì đà tăng trưởng hiện tại của Việt Nam. Song, một vấn đề cần phải lưu ý đó là liên quan đến mức thuế áp dụng cho hàng hóa “trung chuyển”.
“Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đang gặp khó, Việt Nam có cơ hội tận dụng lợi thế của ‘người đi trước’”, Tiến sĩ Richard cho hay.
Vị chuyên gia RMIT cũng lưu ý, triển vọng kinh tế của đất nước cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu – bao gồm căng thẳng địa chính trị kéo dài, xung đột khu vực và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng – vốn góp phần tạo nên mức độ bất định bên ngoài rất cao.
Còn theo Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari cho biết, việc áp thuế đã khiến khách hàng Hoa Kỳ gia tăng đơn hàng trong nửa đầu năm. Có nghĩa rằng, rất có khả năng xuất khẩu sang Hoa Kỳ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm.
Ngoài xuất khẩu, Kinh tế trưởng VinaCapital đánh giá, niềm tin tiêu dùng nội địa đã ổn định sau giai đoạn tăng liên tục kể từ giữa năm 2024. Doanh số bán lẻ thực tế (loại trừ lạm phát), giảm nhẹ từ 7,5% (so với cùng kỳ) trong quý 1 xuống 7,2% trong nửa đầu năm 2025.
Liên quan đến điều này, lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh 21% trong cả quý 1 và nửa đầu năm, nhờ sự phục hồi hoàn toàn của du khách Trung Quốc đến Việt Nam.
“Nếu không có sự tăng trưởng này, chúng tôi ước tính doanh số bán lẻ thực chỉ ở mức 5-6%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 8-9% thường thấy trước COVID. Một lý do khiến tiêu dùng yếu là nhiều hộ gia đình vẫn đang tái thiết khoản tiết kiệm dự phòng đã cạn kiệt trong đại dịch”, ông Michael Kokalari cho hay.
Kết quả ròng của xuất khẩu chậm lại và tiêu dùng ổn định trong nửa cuối năm sẽ khiến tăng trưởng GDP chậm lại. Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết, chi tiêu cho đầu tư công của Chính phủ tăng mạnh 40% trong quý 2, chủ yếu được giải ngân vào tháng 5 và 6.
“Dù vậy, sự bùng nổ chi tiêu này vẫn chưa được phản ánh thành hoạt động kinh tế thực tế, một phần do tốc độ giải ngân quá nhanh, và một phần vì một số khoản chi có thể dùng để thu hồi đất – vốn không làm tăng GDP ngay lập tức”, vị Kinh tế trưởng VincaCapital phân tích.
Về mặt này, tăng trưởng ngành xây dựng (chiếm 5% GDP) chỉ tăng từ 8% trong quý 1 lên 8,5% trong nửa đầu năm, mặc dù đầu tư công đã tăng từ mức giảm 1% (so với cùng kỳ) trong quý 1 lên mức tăng 40% trong nửa đầu năm. Do đó, hoạt động xây dựng chắc chắn sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm và năm 2026.
Cuối cùng, lạm phát CPI tăng từ 3,2% (so với cùng kỳ) trong tháng 5 lên 3,6% trong tháng 6, chủ yếu do giá xăng bán lẻ tăng khoảng 5% trong tháng, khi giá dầu toàn cầu tăng vì căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Cần lưu ý rằng tỷ giá USD/VND vào cuối tháng 6 đã mất giá 2,5% so với đầu năm, gần như không đổi so với cuối tháng 5.