Kinh tế
17/07/2025 15:50Thế giới "phát cuồng" về một sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc từ Nhật Bản
Matcha: Từ "trà đạo" Nhật Bản đến cơn sốt toàn cầu
Với ý nghĩa "trà xay" trong tiếng Nhật, matcha khác biệt hoàn toàn so với trà xanh thông thường nhờ phương pháp pha chế bằng cách đánh bột trà mịn với nước nóng. Thức uống này có nguồn gốc từ Kyoto vào thế kỷ 16, nơi nó trở thành trung tâm của nghi lễ trà đạo truyền thống.
Matcha được làm từ lá tencha, một loại trà được che bóng trước khi thu hoạch để giữ nguyên màu sắc, hương vị và dưỡng chất. Những búp trà non được hái thủ công, sau đó trải qua các bước hấp, sấy khô và nghiền chậm bằng cối đá truyền thống để tạo thành bột mịn.
Quy trình sản xuất công phu này đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian đáng kể. Để làm ra 40 gram matcha có thể mất đến một giờ, biến nó thành sản phẩm cao cấp và độc đáo.
Không chỉ hấp dẫn bởi hương vị cỏ cây đậm đà, matcha còn được đánh giá cao nhờ lợi ích sức khỏe vượt trội. Giới khoa học và chuyên gia dinh dưỡng ca ngợi matcha như một “siêu thực phẩm” nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa EGCG vượt trội, cao gấp nhiều lần so với trà xanh thông thường. EGCG giúp bảo vệ tế bào, làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, sự kết hợp giữa caffeine và L-theanine trong matcha giúp người dùng tỉnh táo, tập trung nhưng vẫn thư giãn, không gây bồn chồn lo lắng như khi uống cà phê.
Ngày nay, matcha không chỉ xuất hiện trong các loại đồ uống mà còn được dùng trong nhiều sản phẩm đa dạng, từ latte, bánh ngọt, sinh tố cho đến các sản phẩm chăm sóc da.
Sự bùng nổ của matcha trên toàn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thế hệ Z và các xu hướng trên mạng xã hội. Với màu xanh ngọc lục nổi bật cùng cách pha chế tinh tế, matcha dễ dàng trở thành “ngôi sao” trên Instagram hay TikTok.
Năm 2023, Nhật Bản đã xuất khẩu hơn một nửa trong tổng số 4.176 tấn matcha sản xuất, với các thị trường đang phát triển mạnh tại Hoa Kỳ, châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông.
Đổ bộ thực đơn Việt
Matcha đã xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2010, nhưng ban đầu vẫn là nguyên liệu cao cấp và kén người dùng. Phải đến năm 2024, thức uống này mới thực sự “lên ngôi”, bắt đầu từ trào lưu matcha coco (nước dừa kem matcha Thái Lan).
Nhiều quán cà phê và tiệm bánh chủ động nhập khẩu matcha Nhật Bản để phát triển các món mới như matcha latte, matcha macchiato, matcha dâu. Không chỉ dừng lại ở đồ uống, matcha cũng được đưa vào bánh ngọt, tạo nên một làn sóng “đu trend” sôi động trong giới trẻ.
Một số thương hiệu bột matcha phổ biến tại Việt Nam gồm Haru, Uji... Trong khi đó, các thương hiệu Việt Nam như Behena, Bảo Lộc, L'angfarm và Trà Chính Sơn sản xuất bột trà xanh phục vụ cho nhu cầu làm bánh và pha chế trong nước.
Theo đánh giá từ nhiều thực khách sành điệu, chất lượng đồ uống matcha phụ thuộc lớn vào nguyên liệu Nhật Bản. Nhiều khảo sát cho thấy người tiêu dùng Việt sẵn lòng trả thêm 10.000-20.000 đồng để thưởng thức ly matcha chất lượng cao.
Theo một số khảo sát thị trường, matcha đã trở thành món đồ uống quen thuộc tại nhiều chuỗi cà phê và tiệm bánh lớn. Hầu hết thương hiệu như Phê La, Starbucks Coffee, Tous Les Jours,… đều đã ra mắt bộ sưu tập đồ uống và bánh ngọt sử dụng matcha.
Nguy cơ "bong bóng"
Với mức dự báo đạt 5 tỷ USD trong vòng ba năm tới, matcha đang khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm nông nghiệp “hot” nhất hiện nay.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng cũng kéo theo thách thức về nguồn cung - đặc biệt là với matcha chất lượng cao từ Nhật Bản, nơi việc mở rộng sản xuất còn nhiều giới hạn.
Các nhà sản xuất lớn như Ippodo và Marukyu Koyamaen đã phải áp dụng giới hạn mua hàng, tình trạng “cháy hàng” xảy ra ngay cả tại thị trường nội địa. Tại Uji - vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ matcha”, một số cửa hàng phải giới hạn lượng bán ra ở mức 40 hộp/ngày.
Một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng matcha giảm là biến đổi khí hậu. Các đợt nắng nóng kỷ lục tại nhiều vùng trồng trà ở Nhật Bản đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lá tencha. Lá bị “thiếu nắng” hoặc “cháy nắng” làm giảm chất lượng và năng suất.
Trong khi đó, matcha không thể sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp hóa. Quá trình từ che bóng lá tencha (20-30 ngày), hấp, sấy khô, tách gân đến nghiền bằng cối đá đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian dài. Nếu cố mở rộng sản xuất quá nhanh, chất lượng truyền thống sẽ bị ảnh hưởng.
Dù các nhà sản xuất và chính phủ đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, những thách thức từ biến đổi khí hậu và quy trình truyền thống khiến bài toán trở nên nan giải.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu tình trạng khan hiếm kéo dài, hiện tượng “bong bóng” giá có thể xảy ra. Khi đó, giá matcha bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, thu hút đầu cơ và sản xuất ồ ạt, đe dọa sự bền vững của ngành hàng này.