Kinh tế
07/10/2015 13:28TPP không có chỗ cho trò chơi tỷ giá
Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận trong đoàn đàm phán TPP cho biết, 12 nước dự kiến ký một cam kết không phá giá đồng nội tệ với mục tiêu giúp hàng hóa của nước mình có lợi thế hơn khi xuất khẩu. Như vậy, 12 nước đang trên lộ trình hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá và cam kết không sử dụng đồng nội tệ của mình để tăng khả năng cạnh tranh. Theo hãng tin, thỏa thuận này được thực hiện song song với TPP.
![]() |
Ngân hàng trung ương 12 nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam, đang cân nhắc đi đến một cam kết nhằm hạn chế sử dụng chính sách tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Lan. |
Trao đổi với PV sáng 7/10, một thành viên trực tiếp tham gia đàm phán về nội dung tiền tệ của Việt Nam khẳng định hiện chưa có một cam kết cứng nào giữa 12 nước tham gia TPP trong vấn đề này. "Đây chỉ là một yêu cầu trong nội bộ của chính quyền Obama để mở đường cho Quốc hội của Mỹ phê chuẩn TPP. Trong đợt đàm phán tháng 8, Mỹ đã nêu ra vấn đề này để bàn thảo với 11 nước còn lại. Họ yêu cầu các nước tham gia TPP phải có một cơ chế để chống thao túng tiền tệ giữa 12 nước. Ngân hàng trung ương của các nước vẫn đang xem xét vấn đề này", nguồn tin này giải thích thêm.
Tuy nhiên, nguồn tin này cũng thừa nhận 12 nước tham gia TPP đã ký vào một bản phụ lục với nội dung "cùng nhận thức được vấn đề này và sẽ hợp tác để cùng hạn chế tình trạng thao túng tiền tệ". "Thao túng tiền tệ" được vị này giải thích là việc ngân hàng trung ương các nước có thể bằng chính sách tỷ giá của mình khiến cho hàng hóa trong nước có lợi hơn khi xuất khẩu. Nếu các nước trong TPP làm như vậy sẽ gây nên sự không bình đẳng.
Như vậy, dù 12 nước chưa đi đến một cam kết cụ thể nhưng việc thỏa thuận này theo đánh giá của giới chuyên gia sẽ khiến ngân hàng trung ương các quốc gia khó mượn công cụ phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu hơn trước đây.
Nhiều năm nay, nhà điều hành của Việt Nam liên tục đứng trước sức ép điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu từ doanh nghiệp, giới học giả. Một lãnh đạo cấp Vụ của Ngân hàng Nhà nước bình luận: "Ngay cả khi có cam kết hay không thì Việt Nam cũng không nên xem chính sách tỷ giá điều hành lên xuống nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Đây là cách nhìn thiên kiến và chưa đầy đủ. Việc tỷ giá thay đổi là bình thường và nhằm thực hiện nhiều mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ và nhằm ổn định kinh tế vĩ mô".