Kinh tế
08/05/2016 09:32Trung Quốc đang vung “rất nhiều tiền” mua cả thế giới
Thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đã khuynh đảo thế giới khi vung tiền mua hàng loạt các doanh nghiệp có thương hiệu hàng đầu thế giới.
Tờ “The Australian” ngày 07 tháng 5 đưa tin, một vấn đề rất đáng quan tâm là mới đây, một công ty liên doanh Trung Quốc-Australia là YMCI (thuộc tỉnh Vân Nam) vừa công bố ý định đầu tư 660 triệu USD để phát triển Công viên Olympic ở ngoại ô Sydney.
Đề nghị này được công bố chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Australia lần thứ hai ngăn chặn việc bán công ty S. Kidman & Co, một trong những công ty sản xuất thịt bò lớn trên thế giới, đang nắm giữ rất nhiều đất đai của nước này cho các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
S.Kidman & Co được thành lập vào năm 1899. Tập đoàn này với bầy gia súc 185.000 con, cung cấp trong thị trường thịt bò tại Nhật Bản, Mỹ và Đông Nam Á. Cần phải suy nghĩ nghiêm túc trước khi đưa bán miếng ngon của nền kinh tế quốc gia cho Trung Quốc và người nước ngoài nói chung!
Vùng đất S. Kidman & Co sở hữu chiếm khoảng 1% lục địa Australia. Một liên danh lớn bao gồm công ty Dakang Australia Holdings của Trung Quốc và công ty Australian Rural Capital (ARC) của Úc sẵn sàng trả 307,7 triệu USD để mua lại S. Kidman & Co, để sở hữu khu đất này.
Hai nỗ lực của các doanh nghiệp Trung Quốc để mua thương hiệu quốc gia Australia S.Kidman và Co đã chịu thất bại. Theo luật pháp nước này, việc bán bất động sản cho người nước ngoài phải được Quỹ quốc gia Bộ Tài chính và Hội đồng Đầu tư nước ngoài phê duyệt.
|
Đầu tư Trung Quốc vào Australia đã bị Quỹ quốc gia Bộ Tài chính và Hội đồng Đầu tư nước ngoài nước này gạt bỏ (Ảnh minh họa) |
Và cả hai lần, Quỹ nhà nước Australia, cụ thể là Bộ trưởng Tài chính Scott Morrison đã nói "không" với các nhà đầu tư Trung Quốc vì thỏa thuận này không phù hợp với "lợi ích quốc gia", theo hai luận cứ cơ bản. Các quan chức và chuyên gia kinh tế Australia cũng đồng thuận với quyết định này.
Luận cứ thứ nhất liên quan đến diện tích đất rất lớn mà công ty Kidman sở hữu tại 12 khu vực khác nhau trên "lục địa xanh". Luận cứ thứ hai có liên quan đến việc, một trong những khu vực với các đồng cỏ và trang trại của công ty nằm sát thao trường thử nghiệm tên lửa Woomera của Australia.
Do đó, tập đoàn Trung Quốc đã lách luật bằng cách liên kết với 1 công ty Australia là Rural Capital, để dải đất nông nghiệp trong khu vực thử nghiệm tên lửa do công ty này quản lý (tương đương với 20% cổ phần), còn công ty Trung Quốc chỉ mua lại 80% cổ phần công ty S.Kidman.
Tuy đã ngăn cản được hợp đồng này, tuy nhiên, Quỹ nhà nước Australia thừa nhận rằng công ty S.Kidman & Co có thể được bán quyền sở hữu cho nước ngoài trong trường hợp có sự thay đổi của chính phủ, sau cuộc bầu cử vào tháng 7 sắp tới.
Về phần mình, Giám đốc điều hành của S.Kidman & Co là ông Greg Campbell cho biết ông hy vọng sau cuộc bầu cử sẽ có các đề xuất mới từ công ty tập đoàn Shanghai Pengxin Group.
Các chuyên gia đầu tư kinh tế thế giới nhận định rằng, giới kinh doanh Trung Quốc đang không ngừng nỗ lực đầu tư vào Australia, nhằm mua được nhiều tài sản có giá trị và địa thế quan trọng ở nước này. Những điều Bắc Kinh làm được với Australia tốt hơn so với các nước khác.
|
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ những kế hoạch thâu tóm đất đai ở Australia |
Lô đất lớn để xây dựng ở ngoại ô Sydney mà YMCI nhắm tới đang được bán cho công ty Goodman Group của Bỉ. Đó là một trong những kế hoạch bán bất động sản Australia có giá trị lớn nhất cho người nước ngoài.
Nhưng những nhà đầu tư Đại Lục cũng trả số tiền rất lớn! Goodman Group cũng đã làm việc với hai nhà thầu khác của nước này. Thế nhưng số tiền đầu tư vào bất động sản này vẫn thua mức sẵn sàng đầu tư của công ty Trung Quốc-Australia YMCI.
Chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế thế gới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Alexander Salitsky nhận định, không thể dự đoán chính xác số phận của dự án đặc biệt này. Có thể là chính quyền Australia sẽ can thiệp vào dự án Trung Quốc, cũng có thể giải pháp cuối cùng sẽ xảy ra theo kiểu khác.
Tuy hiện nay, công ty Trung Quốc sẽ rất khó mua được lô đất này, tuy nhiên, cũng như dự án S.Kidman & Co, YMCI cũng sẽ hy vọng một sự thay đổi vào tháng 7 tới. Do đó, thương vụ "giao dịch thịt bò" và kế hoạch đầu tư ở ngoại ô Sydney sẽ được tiếp tục.
Trong thời gian qua, các Tập đoàn đầu tư đến từ Bắc Kinh đã nỗ lực mua lại rất nhiều các thương hiệu hàng đầu thế giới. Trung Quốc đang chiếm lĩnh không gian kinh tế thế giới bằng chính sách “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”.
Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ cho biết, một tập đoàn của các nhà đầu tư Trung Quốc lập kế hoạch mua toàn bộ công ty Opera Software ASA của Na Uy - nhà phát triển trình duyệt web Opera lớn thứ năm trên thế giới với những điều khoản của hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD.
Chủ đầu tư của dự án là tập đoàn Trung Quốc “Golden Brick Silk Road”, trong nhóm này còn có công ty phát hành các trò chơi điện tử “Beijing Kunlun Tech Co”, công ty phát triển phần mềm bảo mật “Qihoo 360” và công ty đầu tư tài chính “Yonglian”.
Chủ sở hữu và ban lãnh đạo “Opera Software ASA” đã phê duyệt giao dịch này, bởi phía Trung Quốc đề xuất mua cổ phiếu với giá cao hơn 56% so với giá bình quân trong hơn 1 tháng, kể từ đầu tháng 1-2016. Đặc biệt là, họ cam kết sẽ trả tiền mặt để mua trọn gói số lượng cổ phiếu.
Về thực chất, trong những năm qua, Trung Quốc đang tích cực tiếp cận không gian Internet toàn cầu nhưng trở ngại chính trên con đường này là sự thống trị của các công ty phương Tây. Hợp đồng mua lại Opera là một nỗ lực thành công nhằm phá vỡ thế độc quyền của các tập đoàn nước ngoài.
|
Trung Quốc đã mua lại công ty Opera Software ASA của Na Uy |
Nhờ đó, các chủ sở hữu của Trung Quốc có thể toàn quyền bán các loại sản phẩm Opera cho người dùng trên mobile và máy tính, và được hưởng lợi từ kinh doanh quảng cáo trên trình duyệt Opera, cũng như mở rộng quyền kiểm soát không gian mạng.
Vừa qua, một công ty khác của Trung Quốc là Tập đoàn Bảo hiểm An Bang đã trả giá 76 USD (bằng tiền mặt) cho mỗi cổ phiếu của chuỗi khách sạn Mỹ Starwood Hotels & Resorts, vượt trước đối thủ của mình là tập đoàn Marriott, với đề nghị trả giá 72 USD cho mỗi cổ phiếu.
Các doanh nhân Trung Quốc sẵn sàng chi trả ngay lập tức 13 tỷ USD bằng bất cứ hình thức thanh toán nào cho toàn bộ gói khách sạn. Nếu họ đạt thành công thì đây sẽ là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử các công ty Trung Quốc hoạt động trên thị trường bất động sản toàn cầu.
Vào tháng 1 năm nay, chiến thuật "vung tiền vượt trước đối thủ cạnh tranh" của giới kinh doanh Trung Quốc lại một lần nữa thành công khi Tập đoàn Vận tải Nhà nước COSCO (Hồng Kông-Trung Quốc) đã “mua” được thành phố cảng Piraeus của Hy Lạp.
Tập đoàn này đã trả giá tiền mặt 22 euro cho mỗi cổ phiếu, trong khi các chuyên gia độc lập chỉ định giá 18,4-21,2 euro. Kết quả là, chỉ còn một mình COSCO tồn tại đến giai đoạn cuối cùng và chính phủ Hy Lạp đang trong cơn “túng quẫn”, đã tuyên bố tập đoàn này là "nhà đầu tư ưu tiên".
|
Đối với Bắc Kinh, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền |
Còn Tổng công ty Hóa chất Trung Quốc (ChemChina) cũng khá dễ dàng thâu tóm hãng sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu Thụy Sỹ "Syngenta". Họ hào phóng đưa ra đề nghị thanh toán “ngay và luôn” bằng tiền mặt, trả giá 470 franc Thụy Sĩ cho mỗi cổ phiếu.
Đáng nói là, các chuyên gia tài chính và đầu tư đã thẩm định rằng, cái giá mà doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra cao gần 25% so với giá bình quân trên thị trường chứng khoán thế giới. Và dĩ nhiên là trước khi kết thúc năm nay, hợp đồng này sẽ được ký kết.
Một số chuyên gia nhận định, Bắc Kinh đang nuôi tham vọng xây dựng “Đế chế Trung Hoa” về kinh tế trong phạm vi toàn cầu, không ngán ngại bất cứ cường quốc nào.
Đối với Bắc Kinh, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, các doanh nghiệp Trung Quốc luôn đưa ra cái giá cao gấp bội so với các đối thủ khác, còn trong các dự án đầu tư xây dựng thì luôn đưa ra giá thầu quá rẻ khiến không ai địch lại được.
Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu một số đặc điểm trong đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Theo Thiên Nam (Đất Việt)