Ôtô - Xe máy
02/07/2025 19:24Nguyên nhân khiến người ngồi trên xe điện dễ say
Theo đó, hiện tượng này liên quan đến sự khác biệt trong trải nghiệm vận hành giữa xe điện và xe chạy bằng động cơ đốt trong.
Cụ thể, xe điện vận hành êm ái, mượt mà và tinh tế hơn so với xe xăng. Điều này mang lại trải nghiệm thư thái cho người lái, đặc biệt khi di chuyển trên đường dài.
Tuy nhiên, đối với người ngồi ghế phụ hoặc hàng ghế sau lại có cảm nhận ngược lại. Cảm giác nôn nao, hay còn gọi là say xe khi ngồi trên xe ô tô điện, khiến họ khó chịu và mệt mỏi.
Trong bối cảnh doanh số xe điện toàn cầu năm 2024 đã tăng lên 22% so với 18% của năm 2023. Nhiều người có ý định mua xe điện cũng bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề này.
Nghiên cứu sinh William Emond (Đại học Công nghệ Belfort-Montbéliard, Pháp), đang nghiên cứu về chứng say xe trên não bộ cho rằng, não bộ con người sẽ dựa vào những trải nghiệm đi xe trước đó để đánh giá.
"Nếu đã quen di chuyển bằng xe chạy xăng, chúng ta sẽ hiểu chuyển động của xe dựa trên các tín hiệu như tiếng động cơ, độ rung, mô men xoắn, v.v. Nhưng đối với lần đầu tiên đi xe điện, não bộ phải làm quen với một môi trường chuyển động mới", ông Emond giải thích.
Hiện nay, xe xăng vẫn phổ biến với nhiều người dùng, nên não bộ quen với việc dự đoán dựa trên tiếng động cơ đốt trong. Do đó, khi chuyển sang xe điện, sự vắng mặt của những tín hiệu quen thuộc này khiến não bộ khó thích nghi, dẫn đến say xe.

Một số đặc điểm chính tăng cảm giác say xe có thể kể đến như độ rung của ghế ngồi, và thiếu tiếng ồn động cơ. Điều này được hai nghiên cứu năm 2020 và 2024 tại Mỹ công bố, The Guardian đưa tin.
Hệ thống phanh tái sinh năng lượng cũng là một tác nhân gây say xe, đặc biệt khi người lái đặt mức độ tái sinh năng lượng cao. Đây là hệ thống công nghệ tiên tiến được ứng dụng chủ yếu trên xe điện và xe hybrid, nhằm mục đích thu hồi năng lượng bị lãng phí trong quá trình phanh.
Ngay khi đạp chân phanh, xe sẽ bắt đầu giảm tốc đáng kể. Sự giảm tốc liên tục này khác với sự giảm tốc ngắn nhưng mạnh mẽ trên xe xăng. Một nghiên cứu năm 2024 đã khẳng định: "Kết quả của chúng tôi xác nhận rằng mức độ phanh tái sinh càng cao thì nguy cơ say xe càng cao".
Say xe xảy ra do sự không khớp giữa các tín hiệu cảm giác mà não bộ nhận được về chuyển động của cơ thể. Cụ thể, say xe xảy ra khi tai trong (cơ quan kiểm soát sự cân bằng), mắt và cơ thể gửi thông tin mâu thuẫn đến não.
Nghiên cứu sinh Emond cho biết: "Hiểu rõ hơn về chuyển động của bản thân cho phép chúng ta dự đoán lực chuyển động, điều này rất quan trọng đối với chứng say xe. Tuy nhiên, khi lực chuyển động mà não ước tính hoặc dự đoán khác với những gì thực sự trải qua, thì não sẽ diễn giải "sự không khớp thần kinh" này là một tình huống xung đột. Nếu xung đột này kéo dài theo thời gian, nó có thể vượt quá ngưỡng kích hoạt các phản ứng tự động của cơ thể, chẳng hạn như các triệu chứng rõ ràng của say xe".
Khả năng dự đoán chuyển động của phương tiện dường như là yếu tố quan trọng trong trải nghiệm của người say xe. Đó là lý do tại sao người lái xe thường không bị say xe, vì họ biết điều gì sắp xảy ra.
Sự tương tác giữa dự đoán chuyển động và chuyển động thực tế có thể là lý do tại sao chúng ta dễ say hơn khi đi xe điện, vì những chiếc xe này quá… êm.
"Khi khám phá một môi trường chuyển động mới, não bộ cần phải làm quen vì không có kinh nghiệm hoặc trải nghiệm trước đây về bối cảnh trước đó. Đây cũng là lý do tại sao hầu hết mọi người dễ bị ốm hơn trong môi trường không trọng lực", nghiên cứu sinh Emond chia sẻ.
Ngày nay, số lượng người sở hữu xe điện ngày càng tăng, vì vậy các nhà nghiên cứu vẫn đang nhanh chóng tìm kiếm giải pháp cho chứng say xe đặc thù này.
Một số bài báo nghiên cứu đã đề xuất rằng say xe có thể được xử lý bằng cách sử dụng tín hiệu hình ảnh, chẳng hạn như màn hình tương tác và ánh sáng xung quanh, hoặc tín hiệu rung cho phép não bộ của hành khách dự đoán những thay đổi chuyển động, giảm bớt cảm giác lắc lư khi ngồi trên xe điện.