Xã hội
05/07/2025 17:24Đề nghị đề xuất quy trách nhiệm chậm, hủy chuyến bay tại Việt Nam
Mới đây, Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế). Thứ Trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì buổi thẩm định, Báo Pháp luật Việt Nam tường thuật.
Phát biểu tại buổi thẩm định, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn cho biết, sau 19 năm thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã thiết lập được hành lang pháp lý cho hoạt động hàng không dân dụng của Việt Nam; thiết lập hệ thống quản lý và giám sát an toàn hàng không phù hợp với tiêu chuẩn của ICAO; đảm bảo năng lực giám sát an toàn bay theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, Châu Âu.
Bên cạnh đó, các cảng hàng không, sân bay được đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp đã nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thực hiện liên kết vùng và kết nối quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình triển khai thi hành luật đã xuất hiện một số tồn tại, phát sinh cần phải được xem xét để xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), cụ thể về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng: nội dung quy định về Nhà chức trách hàng không, người đứng đầu Nhà chức trách hàng không trong luật hiện hành vẫn chưa đảm bảo đầy đủ theo các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); về an toàn, an ninh hàng không…
Tại buổi thẩm định, các thành viên hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với dự thảo luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế). Tuy nhiên, các thành viên đã trao đổi nhiều nội dung cụ thể về người vận chuyển theo hợp đồng và người vận chuyển thực tế; về miễn, giảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Phát biểu kết luận buổi thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế). Theo Thứ trưởng, các nội dung của Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Ông cũng nêu nhiều nội dung. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các quy định trách nhiệm trong việc chậm chuyến, hủy chuyến bay , giải quyết chế độ cho người dân để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT quy định rõ nghĩa vụ của người vận chuyển hàng không (hãng hàng không) đối với hành khách trong những trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian kế hoạch trong lịch bay.
Trong trường hợp không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, người vận chuyển có nghĩa vụ cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách và đảm bảo việc ăn, nghỉ, đi lại, cũng như chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không theo quy định trong Điều lệ vận chuyển và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không.
Về chuyến bay bị hủy, Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT quy định: Chuyến bay bị hủy được định nghĩa là việc không thực hiện một chuyến bay mà lịch bay để đặt chỗ, bán vé của chuyến bay này đã được công bố trên hệ thống bán vé đặt chỗ (CRS) của người vận chuyển trong vòng 24 giờ trước thời gian khởi hành dự kiến.
Trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển và trường hợp chuyến bay bị hủy mà không được người vận chuyển thông báo trước cho hành khách, ngoài các nghĩa vụ tương tự như trường hợp chuyến bay bị chậm, người vận chuyển phải thực hiện các nghĩa vụ khác với hành khách.