Ngày 10/6, TP Hà Nội đã chính thức bắt đầu công đoạn lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do thành phố quản lý, bao gồm cả Đại lộ Thăng Long và đường Vành đai 3 trên cao.

Theo dự thảo, các tuyến đường đủ điều kiện thu phí là những tuyến được thiết kế, đầu tư xây dựng theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc. Đồng thời, các tuyến này phải được bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, đưa vào khai thác và có đề án khai thác tài sản được thành phố phê duyệt.

Mức phí sử dụng cao tốc sẽ được xác định dựa trên quãng đường thực tế mà phương tiện di chuyển, với mức phí tương ứng cho từng loại phương tiện (tính theo đồng/km).

Quy định về mức phí, đối tượng chịu phí và các trường hợp được miễn phí sẽ thực hiện theo Nghị định số 130/2024 của Chính phủ. Nghị định này đã quy định 5 nhóm xe phải chịu phí sử dụng cao tốc và chia làm hai mức phí cụ thể:

- Mức 1: Áp dụng với các tuyến cao tốc đã hoàn thành và đạt tiêu chuẩn đầy đủ.

- Mức 2: Áp dụng với các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn hoàn chỉnh (ví dụ: chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom hoặc làn dừng khẩn cấp).

Cụ thể, tài xế ô tô chạy trên cao tốc do nhà nước đầu tư sẽ phải trả phí thấp nhất là 900 đồng/km và cao nhất là 5.200 đồng/km.

Thời điểm thu phí chính thức sẽ được thành phố xác định "khi đáp ứng các điều kiện quy định và hoàn thành việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, đơn vị vận hành thu".

Đại lộ Thăng Long và vành đai 3 trên cao "lọt tầm ngắm"

Đường Vành đai 3 trên cao
Đại lộ Thăng Long

Dự thảo Nghị quyết hiện chưa nêu cụ thể danh sách các tuyến đường sẽ thu phí. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Xây dựng, trên địa bàn Hà Nội hiện có hai tuyến đường cao tốc do thành phố quản lý được xác định là tiềm năng:

- Đường Vành đai 3 trên cao: Với chiều dài hơn 29 km.

- Đại lộ Thăng Long: Có chiều dài 28 km.

Thành phố đã giao Sở Xây dựng nhiệm vụ quan trọng là xác định cụ thể các tuyến, đoạn tuyến cao tốc trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành thu phí. Từ đó, Sở sẽ đề xuất và báo cáo về việc lựa chọn cơ quan quản lý thu phí, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, đơn vị vận hành, và cơ quan nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.

Việc thu phí trên các tuyến cao tốc nội đô được kỳ vọng sẽ góp phần vào việc quản lý giao thông hiệu quả hơn và tạo nguồn thu để tái đầu tư, bảo trì, phát triển hạ tầng giao thông thủ đô.

PV (SHTT)