Đời sống
11/07/2025 09:02Lương tối thiểu gần 5 triệu đồng có đủ sống ở Hà Nội, TPHCM?
Tăng lương tối thiểu không “đuổi” kịp với giá cả
Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới đây, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 9,2% từ đầu năm 2026 được xem là mức tăng tương đối cao nếu so với mức điều chỉnh 6% hồi năm 2024.
Tuy nhiên, trao đổi với P.V VietNamNet, ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nếu so sánh với thực tế tăng giá sinh hoạt, chi phí nuôi con, thuê nhà, y tế... thì mức tăng này vẫn chỉ là "cuộc rượt đuổi chưa cân sức".
“Thực tế nhiều năm qua, lương tối thiểu chỉ nhích khoảng 5 - 7% mỗi năm, trong khi giá cả tăng bình quân tới 10% - 12%. Lương tăng chưa kịp thì thị trường đã tăng giá đón đầu, từ điện, nước đến bữa ăn của công nhân”, ông Tùng nói.
Vì vậy, theo ông, không thể tiếp tục gọi là “tăng lương” khi bản chất chỉ là điều chỉnh danh nghĩa, không đủ bù trượt giá. Phải làm một cuộc cách mạng thực sự về chính sách tiền lương. Trước hết lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu, chứ không thể thấp hơn rồi vẫn gọi là ‘tăng’ được”.
Không đảm bảo mức sống tối thiểu
Ông Tùng chỉ rõ một nghịch lý đã tồn tại nhiều năm: Mức lương tối thiểu vùng, dù được điều chỉnh thường xuyên, vẫn chưa tiệm cận được mức sống tối thiểu như quy định của pháp luật.
“Mức lương tối thiểu vùng cao nhất hiện chưa đến 5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại các đô thị như Hà Nội, TPHCM đã cao hơn rất nhiều. Hai vợ chồng công nhân cộng lại thu nhập 14–15 triệu đồng/tháng vẫn sống rất chật vật", ông dẫn chứng.

Không thể hiểu mức sống tối thiểu chỉ dừng lại ở “có ăn, có mặc”, mà phải bao gồm các chi phí về giáo dục, y tế, nhà ở, giao thông, tinh thần... Đây là những nhu cầu cơ bản để người lao động sống và làm việc bền vững. Vì vậy, chính sách tiền lương tối thiểu hiện nay không thể tiếp tục dừng lại ở những cuộc họp thương lượng từng phần trăm.
“Cần thay đổi từ tư duy đến cách làm. Phải xây dựng mức lương tối thiểu dựa trên dữ liệu thực tế về đời sống từng vùng, có sự tham gia của công đoàn đủ mạnh, các chuyên gia độc lập, và sự điều tiết công bằng từ phía Nhà nước.
Còn nếu tiếp tục duy trì khoảng cách giữa lương và mức sống, người lao động sẽ không thể trụ lại thị trường, còn doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng”, ông Tung nói.
Công đoàn không thể dễ dãi thỏa hiệp
Từng nhiều năm đại diện người lao động trong Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động cần đóng vai trò kiên định, cương quyết hơn trong việc bảo vệ lợi ích của công nhân.
“Ngày trước, mỗi phiên họp của Hội đồng tiền lương đều rất căng. Công đoàn phải nói lên đúng bản chất vấn đề, không thể thỏa hiệp dễ dàng, trước sức ép từ giới chủ”, ông chia sẻ.
Trước quan điểm của một số doanh nghiệp cho rằng, tăng lương ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp, ông Tùng phản biện: Chính người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra năng suất, lợi nhuận. Nếu không chăm lo tốt cho họ cả về vật chất lẫn tinh thần thì doanh nghiệp không thể giữ chân người lao động có chất lượng.
Ông cũng dẫn chứng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trả lương cao, có chính sách chăm sóc tốt cho công nhân, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp mà vẫn kinh doanh hiệu quả, thậm chí lãi lớn.
“Trả lương cao, đầu tư vào đào tạo, chăm lo đời sống thì người lao động sẽ gắn bó, năng suất tăng, chất lượng sản phẩm cao hơn, sức cạnh tranh doanh nghiệp cũng sẽ tốt hơn. Đó mới là bài toán phát triển bền vững thực sự”, ông Tùng khẳng định.
Từ ngày 1/7/2024 đến nay, mức lương tối thiểu theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP được áp dụng như sau:
Vùng I: 4,96 triệu đồng/tháng (23.800 đồng/giờ); Vùng II: 4,41 triệu đồng/tháng (21.200 đồng/giờ); Vùng III: 3,86 triệu đồng/tháng (18.600 đồng/giờ); Vùng IV: 3,45 triệu đồng/tháng (16.600 đồng/giờ)