Đời sống
09/07/2025 15:50Từ vụ thịt lợn bệnh, lợn chết tuồn ra chợ: Bác sĩ cảnh báo "tuyệt đối không mua thịt có 5 dấu hiệu này"
Theo báo Sức khỏe và Đời sống, ngày 8/7, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” sau khi phát hiện đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh với quy mô lớn, hoạt động tinh vi tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố.
Trước đó, qua công tác nắm địa bàn và tiếp nhận phản ánh của người dân, Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện dấu hiệu nghi vấn liên quan đến hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn chết tại xã Hòa Xá (huyện Thường Tín cũ) và chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm cũ). Các đối tượng thường giết mổ lợn vào ban đêm, cảnh giới nghiêm ngặt và vận chuyển thịt qua các đường làng nhằm tránh bị phát hiện.
Cơ quan chức năng đã triệt phá 3 đường dây buôn bán lợn bệnh. Đường dây thứ nhất tại xã Thường Tín do Lê Văn Tươi (SN 1994) và Nguyễn Thị Thư (SN 1998) điều hành. 2 đường dây còn lại tại một số ki ốt tại chợ đầu mối Phùng Khoang. Các ki ốt này do Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm, Trương Mạnh Kiên và Nguyễn Đình Thao quản lý.
Kết quả xét nghiệm các mẫu thịt và nội tạng trong cả ba vụ đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bắt buộc phải tiêu hủy khi phát hiện. Hành vi của các đối tượng cho thấy mức độ nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường pháp luật, xem nhẹ sức khỏe cộng đồng để trục lợi.

Lợn bệnh, lợn chết nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo:“Virus dịch tả lợn châu Phi (ASF - African Swine Fever) không gây bệnh cho người nhưng việc tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh, đặc biệt là lợn chết, có thể dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm khác như ngộ độc, nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, thậm chí sốc nhiễm độc”.
ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, tỷ lệ lợn chết do nhiễm bệnh gần như là 100%. Virus này lây lan chủ yếu qua tiếp xúc giữa lợn, thức ăn, nước uống, côn trùng. Dù chưa ghi nhận trường hợp ASF lây sang người nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh là an toàn.
Trên thực tế, nhiều người dân vẫn có thể vô tình mua phải thịt lợn bệnh, lợn chết do bị tuồn ra thị trường với giá rẻ. Theo bác sĩ Thiệu, thịt từ lợn bệnh hoặc lợn đã chết vì bệnh có thể chứa nhiều tác nhân nguy hiểm như:
- Vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Listeria: Các loại vi khuẩn này có thể gây tiêu chảy, sốt, nôn mửa, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.
- Ký sinh trùng như giun xoắn, sán dây lợn: Chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu người dân ăn thịt chưa nấu chín kỹ. Nhiễm ký sinh trùng có thể gây tổn thương cơ, mắt, hệ thần kinh.
- Liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis): Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, sốc nhiễm khuẩn ở người.
Ngoài ra, bác sĩ Thiệu nhấn mạnh, một số độc tố từ xác động vật như histamine, endotoxin, mycotoxin vẫn tồn tại trong thịt lợn bệnh, lợn chết dù được đun nấu ở nhiệt độ cao. Các chất độc này có thể khiến người ăn bị ngộ độc cấp tính: đau bụng, nôn dữ dội, tiêu chảy, tụt huyết áp; trường hợp nặng có thể sốc nhiễm độc, đe dọa tính mạng.
Các độc tố này cũng có thể tích lũy lâu dài, gây tổn thương gan, thận, suy giảm miễn dịch, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Đáng nói, thịt chứa độc tố không phải lúc nào cũng có mùi lạ hay đổi màu, điều này dễ khiến người tiêu dùng chủ quan, bác sĩ Thiệu khuyến cáo.
5 dấu hiệu nhận biết thịt lợn bệnh, thịt lợn chết
Theo chuyên gia, thịt lợn tươi thường khô ráo, sờ không dính tay, thịt có màu đỏ hồng hoặc đỏ sẫm, phần mỡ chắc, có mùi thịt tự nhiên. Ngược lại, thịt lợn bệnh, lợn chết thường có 5 dấu hiệu lạ, bao gồm: có màu tái nhợt, thịt bầm tím, thịt chảy nước, phần da nổi nốt xuất huyết, thịt có mùi hôi tanh. Do đó, khi chọn mua thịt, mọi người cần kiểm tra kỹ miếng thịt để đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Thiệu nhấn mạnh: “Tuyệt đối không mua thịt có các dấu hiệu bất thường kể trên chỉ vì giá rẻ. Trong bối cảnh thực phẩm bẩn còn tồn tại, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin và tuân thủ nguyên tắc an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.