Kinh tế
14/07/2025 16:08Giá vật liệu xây dựng 'leo thang': Dân, doanh nghiệp 'gồng mình' chịu trận
Từ tháng 5, gia đình anh Nguyễn Văn Hưng (huyện Phúc An, Hòa Bình) bắt tay vào xây dựng ngôi nhà trên mảnh đất thừa kế từ cha mẹ. Dự trù ban đầu khoảng 1,8 tỷ đồng, nhưng kế hoạch nhanh chóng chệch hướng khi giá vật liệu leo thang chóng mặt.
"Chỉ sau vài tuần, giá gạch đội từ 1.200 đồng lên 1.800 đồng/viên, cát đen cũng vọt lên 450.000 đồng/m³. Tính sơ, chi phí tăng thêm khoảng 400 triệu đồng", anh Hưng than thở.
Trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, gia đình anh buộc phải vay mượn để tiếp tục thi công, tránh cảnh công trình dang dở.

Tương tự, ông Lê Trung Kiên (TP Bắc Giang) cũng gặp khó khi xây nhà cho con trai. Thời điểm đầu năm, cát vàng chỉ khoảng 450.000 đồng/m³, nay đã vượt 900.000 đồng. Gạch, thép, xi măng đều tăng giá khiến tổng chi phí đội lên ít nhất 300 triệu đồng.
"Chưa xây xong nhà đã phải đi vay thêm tiền. Cứ đà này, chẳng biết khi nào mới hoàn thiện nổi", ông Kiên nói.
Không chỉ hộ dân, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng rơi vào thế bị động. Ông Phạm Đức Hòa, Phó Giám đốc một công ty xây dựng tại Hà Nội, cho biết giá vật liệu xây dựng đang tăng 15 - 20% so với tháng trước, đặc biệt là đá và cát, khiến công ty của ông rất chật vật vì chi phí bị đội lên đáng kể.
Một giám đốc khác cũng thừa nhận: “Ký hợp đồng trọn gói rồi giờ giá cát tăng gần gấp đôi, nếu không được điều chỉnh, chỉ còn cách chịu lỗ hoặc xin giãn tiến độ”.
TS. Trần Xuân Lượng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đánh giá Thị trường Bất động sản cho biết, chi phí xây dựng tăng sẽ kéo mặt bằng giá nhà lên cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM và Hà Nội đã tăng 4 – 8%, một phần do giá vật liệu đầu vào tăng mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê xác nhận có đến 57,2% số doanh nghiệp được khảo sát cho thấy khó khăn lớn nhất trong quý II là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao.
Lý giải về việc giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, bà Hương cho rằng giá vật liệu tăng đến từ những nguyên nhân chính sau: Đầu tiên là do nhu cầu đột biến từ các đại dự án hạ tầng. Việc đẩy mạnh đầu tư công thời gian qua khiến nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao đột ngột. Các tuyến cao tốc, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp đồng loạt khởi công kéo theo nhu cầu cát, đá, thép, xi măng tăng vọt. Đây là yếu tố tạo áp lực cung lớn nhất.
Nhiều địa phương hiện tạm ngừng hoặc hạn chế khai thác mỏ do hết hạn giấy phép, sạt lở hoặc vướng thủ tục pháp lý. Một số khu vực còn gặp khó trong cấp phép mỏ mới. Điều này khiến nguồn cung đá, cát – đặc biệt là cát đen, cát vàng – bị thu hẹp tạm thời, tạo ra các điểm “nút cổ chai”.
Một nguyên nhân khác, theo bà Hương là do chi phí nguyên liệu đầu vào - năng lượng - vận chuyển tăng như: Giá thép tăng theo giá phôi, quặng sắt thế giới; giá điện, than – nguyên liệu đầu vào của xi măng tăng đáng kể khiến áp lực chi phí gia tăng; giá dầu và chi phí vận chuyển tăng kéo theo nhựa đường và bê tông tươi tăng theo.
Một số đại lý và nhà cung cấp có xu hướng “găm hàng” khi thấy giá tăng, khiến nguồn hàng ngoài thị trường bị siết lại. Nhiều người dân và doanh nghiệp cũng tranh thủ mua trước, tích trữ vật liệu khiến cầu tăng thêm một cách “ảo”, càng đẩy giá tăng trong ngắn hạn.
Nhiều địa phương chưa cập nhật bảng giá vật liệu kịp thời, không sát với thực tế thị trường. Các nhà thầu ký hợp đồng theo đơn giá cố định phải chịu lỗ nếu không được điều chỉnh giá, gây ách tắc hoặc đình trệ công trình. Đây là nguyên nhân gián tiếp nhưng ảnh hưởng lâu dài đến toàn bộ chuỗi cung ứng xây dựng.
TS. Trần Minh Long – chuyên gia kinh tế xây dựng, nhận định: “Chi phí đầu vào tăng đang đẩy giá nhà và bất động sản mới tăng theo. Các nhà thầu rơi vào thế kẹt giữa hợp đồng giá cố định và biến động thị trường”.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tháng 6, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng tới 7,23% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng cao nhất 2 năm qua.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng cần khẩn trương tháo gỡ pháp lý để gia hạn mỏ, cấp phép khai thác nhanh hơn, từ đó ổn định nguồn cung. Đồng thời, Nhà nước cần kiểm tra, điều chỉnh kịp thời bảng giá vật liệu công bố, tránh tình trạng “báo giá một kiểu, thị trường bán kiểu khác”.
“Nếu không có cơ chế linh hoạt, tình trạng đội vốn, chậm tiến độ sẽ lan rộng và gây thiệt hại lớn hơn nữa cho các chủ đầu tư và nhà thầu”, ông Hiệp cảnh báo.