Công nghệ

Sự ngu ngốc khi bỏ tai nghe 3,5 mm

Loại bỏ cổng cắm 3,5 mm không mang lại lợi ích rõ ràng cho người dùng, và dường như mọi thứ chưa sẵn sàng cho chuẩn mực mới.

Loại bỏ cổng cắm 3,5 mm không mang lại lợi ích rõ ràng cho người dùng, và dường như mọi thứ chưa sẵn sàng cho chuẩn mực mới.

Đây cũng là thời điểm tốt để Samsung rời bỏ cổng cắm 3,5 mm, khi Apple đã nhận hết "làn đạn" đầu tiên của dư luận. John Gruber từ The Vergenhận định "Samsung sẽ không chịu nhiều chỉ trích như Apple".

Các con số cho thấy iPhone 7 vẫn đang bán khá ổn, và không ít tranh luận cho thấy cổng tai nghe 3,5 mm không thực sự tạo ra nhiều khác biệt với người dùng. 

Tuy vậy, Nilay Patel từ The Verge cho rằng tai nghe Bluetooth nói riêng và tương lai audio không dây nói chung vẫn còn nhiều điểm chưa ổn.

Trong những tranh luận trước đây, The Verge từng đưa ra hàng loạt lý do cổng tai nghe Lightning không hề thân thiện với người dùng, thậm chí là ngu ngốc. Lý do bao gồm: Các giải pháp audio không dây hiện tại vẫn chưa đủ chất lượng, các bộ chuyển đổi thì rối rắm, chuẩn mực âm thanh không dây chưa được xây dựng.

Vài tháng sau ngày iPhone 7 ra mắt, các lý do đó vẫn đúng. Khi Samsung bước theo con đường này, người dùng sẽ chịu hậu quả lớn hơn nữa, bởi hệ sinh thái Android, phụ kiện Samsung chưa hề chặt chẽ như iPhone.

Về cơ bản, cổng cắm tai nghe không ảnh hưởng lớn đến doanh số smartphone, nhưng nó sẽ khó chịu cho người dùng và khiến họ tốn tiền nhiều hơn cho những nhu cầu trước giờ là cơ bản.

Một cách gián tiếp, điều đó khiến chiếc điện thoại đắt tiền hơn. Các nhà sản xuất đang mang một chuẩn mực phổ thông và đơn giản, biến chúng thành mạng lưới rối rắm và tốn kém, trong khi lợi ích không rõ ràng.

Tất nhiên, về lâu dài, điều này sẽ thúc đẩy chuẩn USB-C tốc độ cao, và lợi ích cho cả ngành công nghiệp.

Su ngu ngoc khi bo tai nghe 3,5 mm hinh anh 2
Sự rắc rối của chuẩn tai nghe hiện tại. Ảnh: The Verge.

Dưới đây là các vấn đề của âm thanh điện tử, và chuẩn không đây:

Các tai nghe, loa không dây hiện chỉ có chất lượng tương đối so với loại truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng tại đó. Apple từng cho biết, họ sẽ yêu cầu tiền bản quyền, nếu một nhà sản xuất muốn chế tác tai nghe cổng Lightning cho iPhone.

Nếu bạn muốn cắm một thiết bị thông thường vào điện thoại không có cổng cắm 3,5 mm, bạn sẽ cần một bộ chuyển đổi. Nhưng để có chất lượng âm thanh tốt nhất, bạn sẽ phải dùng tai nghe, đúng chuẩn Lightning, USB-C. 

Các thiết bị đó lại không tương thích với những máy thông thường. Và giải pháp tiếp theo là tai nghe Bluetooth. Nhưng các nhà sản xuất vẫn đang giới hạn dần tai nghe không dây, nếu bạn muốn có trải nghiệm tốt nhất với âm thanh không dây Apple, bạn phải mua tai nghe Apple, hoặc tai nghe Beats với chip W1, và dường như không có lựa chọn khác.

Trong 4 cách để kết nối thiết bị âm thanh vào iPhone, người dùng phải trả tiền cho Apple khi dùng 3 cách (cổng chuyển đổi, tai nghe chuyên dụng, thuế bản quyền). 

Lợi ích từ việc loại bỏ cổng tai nghe 3,5 mm cũng không lớn với Samsung. Thiết bị của họ đã quá mỏng, và đó cũng là đề tài nhạy cảm sau sự cố Note 7 vừa rồi.

Ước mơ xây dựng thế giới không dây cũng chưa hấp dẫn, cho đến khi Bluetooth được cải thiện.

Su ngu ngoc khi bo tai nghe 3,5 mm hinh anh 3
Giấc mơ Bluetooth còn quá xa vời. Ảnh: The Verge.

Thế hệ Bluetooth 5 vừa được hoàn thiện vài ngày trước, và sẽ còn rất lâu để đi vào thực tế. Apple đang hoãn AirPods vô thời hạn, và tai nghe Bluetooth khác cũng chưa xuất sắc.

"Thúc đẩy tương lai là dũng cảm, nhưng thay thứ đang hoạt động hoàn hảo bằng những giải pháp vấp váp là thật ngu ngốc", The Verge nhận định.

Vấn đề pin cũng khó khăn hơn khi Android chuyển sang với USB-C. Đa số các thiết bị Android có thời lượng sử dụng kém hiệu suất hơn với cùng lượng pin, do đó việc không thể vừa sạc vừa nghe sẽ phức tạp hơn.

Chưa kể, việc Android và iOS dùng chuẩn cổng cắm khác nhau sẽ chia rẽ sâu sắc hơn nữa hai nền tảng. Liệu các nhà sản xuất tai nghe có tăng chi phí để hỗ trợ cả 2 nền tảng, hay sẽ lựa chọn 1 bên, và bên nào?

Tổn thất khi loại bỏ cổng 3,5 mm là quá rõ ràng. Người dùng sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất, trong khi các thương hiệu thu nhiều hơn. Nếu vậy, người dùng có lợi gì?

Cả Apple lẫn Samsung vẫn chưa đưa ra câu trả lời rõ ràng nhất về vấn đề này. Và trong lúc đó, người dùng chỉ có thể chịu đựng.

Theo Lê Phát (Zing.vn)