Kinh tế

Đề xuất giảm thuế để "giải cứu" xi măng

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy xi măng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy xi măng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu cho mặt hàng này.

Theo cơ quan này, từ 2016 một số ngành sản xuất được chế biến từ khoáng sản như sản xuất xi măng, có chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành trở lên sẽ phải chịu thuế suất nhập khẩu 5% và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Việc này đã khiến chi phí xuất khẩu xi măng tăng 7,5 USD một tấn và clinker (nguyên liệu đầu vào với sản xuất xi măng) tăng khoảng 4,5 USD một tấn. 

"Việc tăng chi phí này khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam khó cạnh tranh với xi măng Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản..., ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu xi măng trong nước", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét.

de-xuat-giam-thue-de-giai-cuu-xi-mang

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất giảm thuế xuất khẩu với xi măng xuống dưới 5% để giải phóng lượng hàng dư thừa của ngành. 

Số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt cho thấy, năm 2016  tổng công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn một năm, năm 2018 sẽ là 108 triệu tấn và năm 2020 có thể đạt 120-130 triệu tấn. Dự kiến ngành này sẽ dư thừa khoảng 36-47 triệu tấn trong 3 năm tới. Còn theo quy hoạch ngành xi măng, với sức tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì ngành này sẽ dư thừa 25-36 triệu tấn.

5 tháng đầu năm, xi măng và clinker của Việt Nam xuất khẩu gần 8,3 triệu tấn, thu về hơn 288 triệu USD. Bangladesh và Philippines vẫn là hai thị trường xuất khẩu xi măng và clinker lớn nhất của Việt Nam. 

Theo Anh Minh (VnExpress.net)