Kinh tế

Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận?

So với 10 năm trước, hiện nay, cả nước có 53 trung tâm hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Với chi phí dao động từ hàng chục tới hàng trăm triệu một lần thực hiện, dịch vụ này đang trở thành ngành "công nghiệp" siêu lợi nhuận.

Năm 1997, lần đầu tiên tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được thực hiện. Một năm sau, các em bé chào đời. Mặc dù bắt đầu muộn so với thế giới (1978) và khu vực (1984), nhưng hiện nay, Việt Nam là nước thực hiện IVF nhiều nhất khu vực ASEAN và là nước đi đầu về kỹ thuật này của khu vực. Nước ta có khoảng 50.000 trường hợp IVF mỗi năm, cho đến nay ước tính đã có khoảng 200.000 trẻ ra đời ở Việt Nam từ kỹ thuật này. 

Đây được xem là thị trường y tế siêu lợi nhuận mang lại hàng triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lo ngại kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ bị thương mại hóa.

Kỳ 1: Nở rộ trung tâm hỗ trợ sinh sản

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam hiện nay là 7,7% tương đương khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Mỗi lần thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, họ sẽ phải tốn chi phí từ 80-100 triệu đồng. Người có thêm bệnh lý đi kèm phải xét nghiệm gene, sàng lọc phôi, số tiền có thể lên tới 200-300 triệu đồng.

Về quy định, các yếu tố để được thành lập trung tâm hỗ trợ sinh sản lưu trữ tinh trùng và phôi là:

- Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên, bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi, bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân, bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.

- Có tối thiểu các trang thiết bị y tế gồm 2 tủ cấy CO2, 2 tủ ấm, 1 bình trữ tinh trùng, 1 máy ly tâm, 1 bình trữ phôi đông lạnh, 1 máy siêu âm có đầu dò âm đạo, 1 kính hiển vi đảo ngược, 2 kính hiển vi soi nổi, 1 bộ tủ thao tác.

- Về nhân sự, có ít nhất 2 bác sĩ được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và 2 cán bộ có trình độ đại học y, dược hoặc sinh học được đào tạo về phôi học lâm sàng.

Do đó, về mặt kinh tế, điều trị hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mang lại “siêu lợi nhuận” với hàng loạt trung tâm hỗ trợ sinh sản ra đời.

Ngày càng nhiều người 'chuộng' thụ tinh ống nghiệm

Chị N.T.H (30 tuổi, trú tại thành phố Sơn La) xuống Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tìm hiểu về dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm. Đã có một con gái, một năm nay, vợ chồng chị muốn sinh thêm bé thứ hai nhưng đợi mãi chưa có tin vui. Do đó, chị và chồng dự tính xuống Hà Nội làm thụ tinh trong ống nghiệm để "chắc chắn mang thai thay vì chờ đợi tự nhiên".

Không riêng gì chị H., tại khu vực khám của bệnh viện này, các cặp đôi đều hy vọng được làm thụ tinh trong ống nghiệm luôn thay vì trị tận gốc nguyên nhân hiếm muộn.

Tương tự, tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một cặp vợ chồng quê ở Vĩnh Phúc, tìm tới dịch vụ hỗ trợ sinh sản. Theo chia sẻ của người chồng, họ muốn có con ngay vì đã ở với nhau 3 tháng nhưng vợ vẫn chưa mang bầu. Họ mong có con vào tháng 3/2024 nên thời điểm này thực hiện chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm là phù hợp.

Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận?
Người bệnh khám vô sinh tại bệnh viện. Ảnh: Phương Thúy.

Một bác sĩ điều trị hiếm muộn nhiều năm tại Hà Nội chia sẻ nếu như 10 năm trước một cặp vợ chồng hiếm muộn họ có thể kiên trì điều trị tận gốc nguyên nhân. Hiện tại, những cặp vợ chồng chỉ cần chậm có thai là sẵn sàng làm thụ tinh trong ống nghiệm, thậm chí chưa cần bác sĩ chỉ định làm IVF họ đã “tự chỉ định cho mình”. Vì quá nhiều trung tâm, nếu bác sĩ từ chối họ sẽ sang nơi khác.

Ví dụ, trước đây, trường hợp người vợ bị tắc dính vòi trứng sẽ được làm phẫu thuật bóc tách, nhưng hiện nay họ sẽ làm luôn IVF "cho chắc". Một ca mổ do dính tắc vòi trứng hay các bệnh lý khác để có con tốn khoảng 10-20 triệu đồng. Với kỹ thuật IVF, chi phí sẽ cao hơn gấp nhiều lần. 

Chuyên gia này cũng cho biết: "Người bệnh hiếm muộn đến khám và tư vấn nghe bác sĩ nói về uống thuốc, thay đổi lối sống để chờ có con tự nhiên là họ chán và đặt vấn đề làm IVF luôn".

Chính vì nhu cầu này nên các trung tâm hỗ trợ sinh sản ra đời ngày càng nhiều cả ở hệ thống y tế công lập và tư nhân. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay, cả nước có 53 trung tâm hỗ trợ sinh sản thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. 

Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận? - 1
Quy trình rã đông phôi trước khi chuyển tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản. Ảnh: Phương Thúy. 

Ngành "công nghiệp" siêu lợi nhuận

Bác sĩ Quang nhấn mạnh điều trị hiếm muộn của Việt Nam nói chung và dịch vụ IVF nói riêng đang trở thành ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, được đánh giá tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, việc coi người bệnh thành “Thượng đế” sẽ có nhiều hệ lụy.

Ông cho biết thực tế hiện nay, tỷ lệ làm thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam cao nhất trong khu vực. Nguyên nhân của tình trạng này là chi phí ở Việt Nam thấp hơn. Do đó, nhiều người từ các nước khác cũng đến Việt Nam để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.

Ví dụ, một chu kỳ làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam mức giá khoảng 3.200 đến 4.200 USD, tại Thái Lan là 8.000-10.000 USD, Campuchia 7.000 USD, tại Singapore 10.000 USD, tại Anh có thể lên tới 15.000 USD. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trung bình chi phí thuốc kích trứng từ 15 đến 30 triệu đồng/ca. Chi phí làm IVF tại đây được coi là giá “nhà nước” chỉ trên dưới 60 triệu đồng.

Bảng giá tham khảo kỹ thuật hỗ trợ sinh sản IVF tại một số bệnh viện ở Hà Nội:

Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận? - 2

Dù chi phí này thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng với mặt bằng thu nhập của người Việt Nam vẫn còn rất cao. Bác sĩ Quang cho biết một chu kỳ làm IVF có thể tốn tới hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có cặp vợ chồng làm tới 5-7 chu kỳ, họ phải bán cả nhà đi chữa hiếm muộn. 13 năm gắn bó với chuyên ngành này, ông đã gặp nhiều bệnh nhân kiên trì làm IVF hàng chục lần.

Dịch vụ thụ tinh ống nghiệm: Ngành 'công nghiệp' siêu lợi nhuận? - 3
Một cặp vợ chồng không phải làm một lần IVF có thể thành công ngay. Ảnh: Phương Thúy. 

Cũng theo bác sĩ Quang, một phần nguyên nhân khiến tỷ lệ này tăng cao là do chỉ định IVF đang quá rộng. Ông đã tiếp nhận nhiều cặp vợ chồng trẻ thậm chí chưa cưới nhưng muốn có con ngay và đặt yêu cầu bác sĩ làm IVF. Bác sĩ giải thích về “thuận tự nhiên” nhưng họ không đồng ý.

Hiện nay, người bệnh hiếm muộn chọn đường tắt. Nhiều bệnh nhân cho rằng nếu điều trị nguyên nhân yếu tinh trùng hay do các tổn thương thực thể khác thì 2-3 năm sau họ vẫn phải làm IVF nên muốn làm luôn. 

Tuy nhiên, việc lạm dụng chỉ định IVF cũng khiến người bệnh đối diện với nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Ví dụ, nguy cơ quá kích buồng trứng có thể khiến bà mẹ phải trả giá cả tính mạng như tràn dịch ổ bụng, dịch màng phổi rất nhiều, tràn dịch màng tim, suy thận, thuyên tắc mạch… 

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng cho biết hiện nay có tình trạng nhiều bác sĩ "tay ngang" sang lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Đó là những người đi học vài tháng về và làm dịch vụ này đã khiến nhiều trường hợp tiền mất tật mang. Thậm chí, nhiều trung tâm có hiện tượng "giữ" bệnh nhân và chỉ định ngay IVF. 

Do đó, bác sĩ Quang cho rằng cần thận trọng và quản lý chặt chẽ hơn các trung tâm hỗ trợ sinh sản tránh các tình trạng thương mại hóa quá mức dịch vụ IVF.

Hệ lụy khi chỉ định IVF tràn lan

Các trung tâm điều trị hiếm muộn ra đời ngày càng nhiều, người bệnh có cơ hội tiếp cận với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hạn chế. Người hiếm muộn không trị tận gốc nguyên nhân gây vô sinh có thể dẫn tới nhiều biến chứng trong quá trình làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Theo Phương Thúy (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/no-ro-trung-tam-ho-tro-sinh-san-nguoi-hiem-muon-chon-loi-di-tat-2154013.html