Kinh tế

Shark Thủy bị bắt: Câu hỏi phải hỏi trước khi xuống tiền

Vụ án Shark Thủy cho thấy nhiều người có tiền nhưng đã quá dễ dãi với chính đồng tiền của mình, để lòng tham lấn át lý trí. Niềm tin xuất phát từ sự ngây ngô, thiếu căn cứ dẫn đến khả năng mất trắng là rất cao.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup và CTCP Đầu tư và Phân phối Egame. Cùng bị bắt tạm giam còn có Đặng Văn Hiển, Trưởng Ban quan hệ cổ đông CTCP Đầu tư và Phân phối Egame. 

Cả hai bị bắt đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.

Để phục vụ công tác điều tra, đảm bảo quyền lợi của người bị hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị những người mua cổ phần, cho vay tiền bằng hình thức thế chấp cổ phần Egroup đang còn dư nợ chưa đến trình báo, khẩn trương liên hệ để cung cấp hồ sơ, tài liệu.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy được nhiều người biết đến khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam phát sóng trên VTV, với biệt danh Shark Thuỷ.

Dự án đầu tư đình đám nhất của Shark Thủy là hệ thống Anh ngữ Apax English và EnglishNow.

Hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành và khoảng 120.000 học viên.

Quá trình hoạt động của Egroup, Shark Thủy đã huy động vốn của nhiều nhà đầu tư với cam kết trả lãi suất cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp sau đó rơi vào tình trạng mất thanh khoản khiến nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng.

Vụ việc này đặt ra câu hỏi lớn về quyền lợi của các nhà đầu tư, cũng như sự “dễ dãi” của chính họ trong hoạt động đầu tư.

Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia tài chính, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - cho rằng, Egroup đã huy động vốn dựa vào lòng tin của các cá nhân, trong khi bản thân các nhà đầu tư có thể không nắm rõ luật, dẫn đến bên huy động vốn lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản.

“Qua những vụ việc này, có thể thấy không ít người có tâm lý chủ quan, dễ dàng tin vào những 'đối tác' chỉ qua lời ăn tiếng nói hay ho hoặc hình ảnh hào nhoáng bên ngoài mà không có sự tìm hiểu cụ thể trước khi đầu tư”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói.

Theo ông, hành lang pháp lý tại Việt Nam khá đầy đủ, vấn đề ở đây là nhận thức của những người góp tiền chưa đầy đủ. Ký vào văn bản đồng ý cho Shark Thủy vay, hai bên đều phải chịu trách nhiệm với nhau; còn nếu đã đầu tư thì nhà đầu tư phải trở thành cổ đông của doanh nghiệp.

Shark Thủy bị bắt: Câu hỏi phải hỏi trước khi xuống tiền
Việc tham gia game show truyền hình đã góp phần đánh bóng tên tuổi của của Shark Thủy. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia pháp lý, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - chỉ ra rằng, trước đây, có không ít những vụ việc tương tự với quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Mới đây nhất là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Sen Tài Thu. với số tiền huy động lên đến hàng nghìn tỷ. Thậm chí, có những người cầm cố cả nhà cửa của mình và người thân để đưa tiền cho các tổ chức, cá nhân huy động vốn.

Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích, có hai nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người có nguy cơ mất trắng khi “xuống tiền” theo lời mời của Shark Thuỷ.

Thứ nhất, các nhà đầu tư để lòng tham lấn át lí trí, cứ thấy hứa hẹn lãi suất cao là tham gia đầu tư.

Thứ hai, không có kỹ năng để đánh giá bản chất con người dẫn đến việc đặt niềm tin sai chỗ. Niềm tin đó xuất phát từ sự ngây ngô, thiếu căn cứ, chỉ cần thấy một người ăn mặc đẹp, đi xe sang, sở hữu doanh nghiệp mở chi nhánh khắp nơi,... liền nghĩ rằng đó là những người giỏi giang, giàu có.

Người Việt vẫn có câu “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Tiền trong túi mình nhưng lại đưa cho người khác quản lý mà chẳng biết người ta làm ăn, kinh doanh thế nào, gần như phó mặc tài sản của mình cho người khác nên khả năng mất trắng là khó tránh khỏi, theo vị luật sư này.

Do vậy, quan trọng nhất là mọi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình.

“Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng lãi suất lên đến 10%/năm đã là rất khó để có lợi nhuận. Thế nên, việc huy động vốn với cam kết trả lãi vài chục %/năm chỉ có thể là lừa đảo”, luật sư Nguyễn Danh Huế cảnh báo.

Theo ông Huế, bởi tính rủi ro cao, không có phương án kinh doanh hiệu quả, không có tài sản đảm bảo nên đương nhiên Shark Thủy không thể/hoặc đã hết hạn mức vay vốn ngân hàng. Nếu đặt câu hỏi tại sao Shark Thủy không huy động vốn qua ngân hàng để trả lãi suất thấp, nhà đầu tư sẽ trả lời được. 

Cũng theo luật sư Huế, trong những vụ án liên quan đến tội danh Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, khó nhất vẫn là xử lý về thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt. 

Về lý thuyết, cơ quan chức năng sẽ điều tra, nếu yếu tố cấu thành tội phạm rõ nét, sẽ yêu cầu khắc phục hậu quả cho bị hại bằng cách chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Quá trình xét xử vụ án, toà án sẽ xem xét mức độ thiệt hại của các bị hại để tuyên trả lại cho bị hại. Tuy nhiên, những vụ việc như thế này thường rất khó để lấy lại tiền. 

Vụ việc của Shark Thủy, chắc chắn cơ quan điều tra đã mời lên làm việc từ rất lâu. Khi đối mặt với cáo buộc hình sự, các đối tượng sẵn sàng trả lại tiền cho người bị hại. Nhưng vấn đề là, số tiền đó đã bị tiêu tán nên mất khả năng thanh toán.

“Theo quan điểm của tôi, để lấy lại tiền trong trường hợp này gần như là rất khó”, luật sư Huế nói.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/shark-thuy-bi-bat-cau-hoi-phai-hoi-truoc-khi-xuong-tien-2264328.html